Sự khác biệt trong nghiên cứu giữa ta và 'tây'

hoabinh_dhv

Verified Banker
[h=2]Hai yếu tố cơ bản hạn chế sự xuất hiện của các bài báo khoa học có chất lượng của người Việt trên thị trường tri thức đa quốc gia là: tư duy nghiên cứu và môi trường nghiên cứu.[/h]Độc giả Tuyết Trần, cán bộ trường Đại học quốc gia Hà Nội, hiện đang học tập và làm việc tại Australia nhận định, Việt Nam có ít bài báo quốc tế là do Việt Nam chưa có tạp chí nào được coi là 'tạp chí quốc tế', đa phần trong các dữ liệu khoa học Tây phương không có tên một tạp chí khoa học nào của Việt Nam. Hiện tại nếu dùng Google Scholar để tra cứu các bài viết về Việt Nam, chỉ có các bài viết trong hệ thống tài nguyên số của Đại học Quốc gia Hà Nội hiện diện trên bảng kết quả tìm kiếm, nhưng cách làm như vậy tạo rất nhiều khó khăn cho người đọc khi lục tìm thông tin cho phần tài liệu tham khảo, vì thường các thông tin không hiện diện đầy đủ trên bài báo.
Tôi là người may mắn được đọc khá nhiều bài viết của người Việt trên các tạp chí Việt. Tôi thấy có nhiều bài viết chất lượng và "rất đáng đọc". Theo tôi nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các thành quả khoa học Việt không đến được với độc giả ngoài nước và không được nhìn nhận trên bình diện rộng hơn khuôn khổ quốc gia. Ngoài lý do về rào cản ngôn ngữ và sự chậm "quốc tế hóa" của phần lớn các tạp chí trong nước, hai yếu tố cơ bản tôi cho nguyên nhân hạn chế sự xuất hiện của các bài báo khoa học có chất lượng của người Việt trên thị trường tri thức đa quốc gia là: tư duy nghiên cứu và môi trường nghiên cứu.
[h=3]Tư duy nghiên cứu[/h]Tư duy nghiên cứu của người Việt thông thường đi theo chiều hướng miêu tả, diễn giải, lập luận và kết luận. Vai trò của người viết nằm chính trong các lập luận đó. Người viết bằng kinh nghiệm, kiến thức bản thân hoặc căn cứ vào kết quả của các cuộc điều tra đưa ra lập luận thuyết phục người đọc. Chính lối tư duy này nên các tài liệu tham khảo chủ yếu dùng để củng cố các luận điểm của tác giả nhiều hơn là để tạo cơ sở nghiên cứu cho đề tài. Vì vậy mà khi tôi gửi một bài viết cho tạp chí được tính điểm cao nhất trong các tạp chí giáo dục ở Việt Nam và nhờ người bạn tới tận tòa soạn hỏi ý kiến sơ bộ về bài viết đó thì được báo rằng: bài viết dài quá, đề nghị sửa ngắn lại và phần tài liệu tham khảo không nên có trên 10 tài liệu. Tôi đành rút bài viết vì không thể làm nó phù hợp với yêu cầu tòa soạn.
Khác với Việt Nam, ở các nước phương Tây, việc xây dựng cơ sở nghiên cứu dựa trên các tài liệu khoa học trong cùng lĩnh vực là vô cùng quan trọng. Nhiều khi người ta chỉ cần nhìn vào danh mục tài liệu tham khảo của bài báo là biết tác giả đó hiểu đề tài đó đến đâu. Trình tự trình bày một bài báo khoa học ở các nước này cũng đòi hỏi rõ ràng, các luận điểm đưa ra phải có căn cứ. Ý chính của các đoạn phải nêu cụ thể, rõ ràng ở phần đầu mỗi đoạn (thường gọi là topic sentence), ý thường phải ở tại ngôn.
Vì vậy sinh viên Việt Nam đi làm nghiên cứu sinh nước ngoài giai đoạn đầu hay bị mắc lỗi miêu tả quá chi tiết khi viết. Cách tư duy khác biệt nên nhiều tác giả Việt Nam gửi bài đi các tạp chí nước ngoài hay bị từ chối. Hiện tôi đang làm công việc như một độc giả phản biện một số tạp chí như Studies in Higher Education, Higher Education, The Asia-Pacific Education Researcher và Journal of the World Universities Forum. Tôi cũng được mời tham gia phản biện cho một số bài viết của Việt Nam. Dù một số bài viết đề cập tới một số chủ đề rất hay, dù một số biên tập viên của vài tờ báo có thiện chí với việc xuất bản các bài viết về Việt Nam, nhưng do cách tư duy và cách viết có sự khác biệt cộng với sự hạn chế trong việc diễn đạt ý bằng tiếng Anh, nên tôi chưa lần nào có được niềm vui kích vào nút "chấp nhận" cho các bài viết này. Đương nhiên tôi chỉ là một trong nhóm người biên tập và ý kiến của tôi cũng chỉ là ý kiến tham khảo.
[h=3]Môi trường nghiên cứu[/h]Trên cả bình diện vật chất và tinh thần, Việt Nam chưa tạo dựng được môi trường phát triển nghiên cứu. Một phần nguyên nhân do lịch sử để lại khi các trung tâm nghiên cứu xây dựng theo mô hình Liên Xô cũ, tách biệt khỏi các trường đại học. Vì vậy những người có kinh nghiêm thực tế thường không có "trách nhiệm" nghiên cứu, còn những người không có kinh nghiệm hoặc kinh nghiệm đã cũ, lỗi thời thì lại làm công tác nghiên cứu. Với lối tư duy nghiên cứu dựa vào kinh nghiệm như ở Việt Nam, sự tồn tại riêng biệt của hai đơn vị này hạn chế khá nhiều công cuộc phát triển nghiên cứu khoa học nước nhà.
Tuy nhiên, hiện nay Chính phủ đang nỗ lực xây dựng một số trường đại học nghiên cứu, nhưng chắc còn lâu lắm mới có thể thành hiện thực vì nhiều lẽ. Tôi đang làm việc ở một trường được đầu tư để trở thành trường đầu ngành nghiên cứu. Cách đây vài năm tôi đăng ký làm công trình cấp trường, số tiền tôi nhận được chưa tính chi phí chỉ bằng cô bé đồng nghiệp đi dịch ca-bin trong vài buổi.
Vật chất chưa thể tạo động lực cho người giảng viên tham gia công tác nghiên cứu khoa học, tinh thần động viên khoa học còn đáng thất vọng hơn. Sau một năm tâm huyết với đề tài có trị giá bằng vài buổi dịch ca-bin ấy sẽ là một buổi bảo vệ với vài "thành viên đọc" và những lời nhận xét chung chung. Sau đó tôi sẽ phải in đề tài, đóng bìa đẹp và nộp cho phòng khoa học để "bỏ vào tủ lưu hồ sơ". Dù được khen hay chê thì thậm chí cả các đồng nghiệp cùng khoa hay cùng phòng tôi đều không quan tâm lắm tới đề tài của tôi, vì họ có nhiều cái thiết thực đáng để quan tâm hơn cái đề tài của tôi nhiều.
Ở hầu hết các bài viết tôi đã đọc trong chuyên mục, không có bài nào đề cập tới sự so sánh giữa ta và các nước láng giềng có nền văn hóa và trình độ phát triển tương đồng, phần lớn các tác giả so sánh việc làm khoa học của người Việt với các nước phát triển phương tây. Việc so sánh này, với tôi, không khác lắm với việc so sánh lưu lượng xe cộ ở Mù Căng Chải và ... thành phố Hồ Chí Minh.(Tuyết Trần)
Điều này khác hẳn với những cảm nhận của tôi khi làm việc ở bên Australia. Nơi tôi làm việc chỉ là một trường cao đẳng, không có chức năng nghiên cứu như một trường đại học, nhưng khi tôi có một bài báo đăng trên tạp chí ngành, tức chỉ là tạp chí quốc gia, chưa thể xếp vào tạp chí quốc tế, bà hiệu trưởng của trường đã viết email cho tất cả nhân viên trong trường giới thiệu và chúc mừng bài viết của tôi. Rồi tôi nhận nhiều lời chúc mừng của đồng nghiệp, nhiều người còn gặp mặt, nói chuyện, thậm chí viết email cho tôi bàn về vấn đề tôi đề cập trong bài viết.
Ở Việt Nam, dường như giảng viên đại học được coi trọng hơn cán bộ nghiên cứu chuyên trách trong trường. Khi làm nghiên cứu, ngoài số tiền thù lao ít ỏi, gần như người làm nghiên cứu không được quyền lợi gì thêm - ngoại trừ khi người đó đang có mục đích gom thêm điểm để lấy học hàm Phó giáo sư/Giáo sư. Ở các nước phương Tây, người có khả năng xuất bản luôn được đánh giá cao hơn rất nhiều những người chỉ giảng dạy đơn thuần. Nếu một giảng viên có nhiều bài xuất bản, có hệ số ảnh hưởng (Impact factor) cao, sẽ được giảm giờ giảng dạy trực tiếp, tăng lương, tăng chức, được các trường khác mời mọc, và dễ dàng nhận được các tài trợ có giá trị tới vài năm lương. Các trường có xếp hạng cao về nghiên cứu thường nhận số tiền nghiên cứu từ ngân sách cao tới hàng chục lần so với các trường ở tốp dưới.
Khi Việt Nam vẫn còn bao cấp công tác xuất bản báo chí khoa học, khi các sản phẩm của khoa học không được nhìn nhận, đánh giá và áp dụng vào thực tế, khi nghiên cứu vẫn còn là cơ chế xin cho và khi tiếng Anh vẫn được dạy ì ạch như hiện nay, việc để Việt Nam "sánh vai với các cường quốc năm châu" trong lĩnh vực xuất bản các bài báo khoa học sẽ còn xa vời vợi.
Theo VnExpress
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,086
Tổng số thành viên
351,482
Thành viên mới nhất
kubetcasinonet
Back
Bên trên