Những vướng mắc trong khởi kiện thu hồi nợ của TCTD (Kỳ 2)

haiduytran

Thành viên tích cực
Theo quan điểm của ThS. Luật Nguyễn Hoàng Hưng - Văn phòng Luật sư An Phát Phạm, khi TCTD đã yêu cầu tìm kiếm cá nhân vay vốn, bảo lãnh vay vốn vắng mặt tại nơi cư trú và Tòa án đã thụ lý giải quyết, đã ra thông báo tìm kiếm nhưng không thấy họ thì TCTD được nộp đơn khởi kiện người vắng mặt tại nơi cư trú để thu hồi nợ.


Hiện nay nhiều DN sau khi vay vốn của các TCTD không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh với mục đích trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. TCTD không biết DN có hoạt động kinh doanh hay không. Cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin khẳng định DN có trụ sở, người đại diện theo pháp luật… như trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc có cung cấp thông tin về việc DN bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh, nhưng chưa khẳng định DN đã bị giải thể hoặc bị Tòa án tuyên bố phá sản.

Tuy nhiên, Tòa án có quan điểm khác nhau về việc thụ lý giải quyết đối với trường hợp DN vay vốn bỏ địa chỉ kinh doanh, không liên lạc được với người đại diện theo pháp luật của DN.

50b835147cc5e_medium.png

Phiên toà xét xử vụ án bán tài sản thế chấp tại VietinBank Quảng trị. (Ảnh: PV)

Quan điểm thứ nhất cho rằng Tòa án không thụ lý giải quyết đối với trường hợp này bởi lẽ: Người khởi kiện không cung cấp được địa chỉ hiện tại của người bị kiện (DN) nên Tòa án không thụ lý. Vì nếu có thụ lý thì cũng không triệu tập hoặc tống đạt được văn bản tố tụng cho người đại diện theo pháp luật của DN. Trường hợp Tòa án đã thụ lý thì phải trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện.

Quan điểm thứ hai cho rằng Tòa án phải thụ lý giải quyết đối với trường hợp này bởi lẽ: Cơ quan đăng ký kinh doanh khẳng định DN chưa bị xoá tên trong sổ đăng ký kinh doanh do phải giải thể theo quy định tại các Điều 157 và 158 Luật Doanh nghiệp năm 2005 hoặc bị Tòa án tuyên bố phá sản theo quy định tại Điều 89 Luật phá sản năm 2004 thì Tòa án phải xác định DN đó vẫn đang tồn tại ở địa chỉ cuối cùng trong hồ sơ đăng ký kinh doanh (bị đơn là tổ chức DN chứ không phải cá nhân chủ DN, trừ DN tư nhân).

Đối với việc tống đạt văn bản tố tụng thì Điều 154 và Điều 155 Bộ Luật tố tụng Dân sự (BLTTDS) đã quy định điều kiện để Tòa án tiến hành niêm yết hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng cụ thể như sau:

Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng chỉ được thực hiện khi không rõ tung tích của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo hoặc không thể thực hiện được việc cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp (Khoản 1 Điều 154 BLTTDS).

Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt hoặc thông báo (Khoản 1 Điều 155 BLTTDS).

Nếu theo quan điểm thứ nhất thì quy định của BLTTDS về việc niêm yết công khai văn bản tố tụng và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng không có ý nghĩa trong thực tiễn áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại hoặc lao động.

Từ những phân tích nêu trên chúng tôi cho rằng Tòa án thụ lý giải quyết và tiến hành các thủ tục tống đạt để xét xử vắng mặt theo quy định của BLTTDS cho dù không tìm thấy người đại diện theo pháp luật của DN. Việc Tòa án thụ lý giải quyết vắng mặt bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án nêu trên không chỉ phù hợp với quy định của pháp luật mà còn giúp các TCTD nhanh chóng thu hồi được nợ, chấm dứt tình trạng khách hàng vay vốn TCTD sau đó bỏ địa chỉ kinh doanh để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân bỏ nơi cư trú mà không xác định được địa chỉ thì Tòa án không thụ lý vụ án. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP và Công văn số 109/KHXX ngày 30/6/2006 của TAND Tối cao thì TCTD phải tiến hành tìm thông tin về người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng...).

Tuy nhiên, sau khi đã thực hiện việc tìm địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú) mà vẫn không tìm thấy thì TCTD có được khởi kiện họ ra Tòa án để Tòa án thụ lý xét xử vắng mặt những người này hay không vẫn chưa có câu trả lời từ Tòa án các cấp. Đây cũng là một trong những vướng mắc của TCTD khi khởi kiện đối với cá nhân vay vốn đã bỏ nơi cư trú, hiện không xác định được họ ở đâu.

Theo quan điểm của chúng tôi khi TCTD đã yêu cầu tìm kiếm cá nhân vay vốn, bảo lãnh vay vốn vắng mặt tại nơi cư trú và Tòa án đã thụ lý giải quyết, đã ra thông báo tìm kiếm nhưng không thấy họ thì TCTD được nộp đơn khởi kiện người vắng mặt tại nơi cư trú để thu hồi nợ. Trường hợp này Tòa án vẫn thụ lý giải quyết và tiến hành niêm yết văn bản tố tụng để xét xử vắng mặt bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt trong vụ án để thu hồi nợ cho TCTD.
Còn nữa
ThS. Luật Nguyễn Hoàng Hưng (Văn phòng Luật sư An Phát Phạm)
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,089
Tổng số thành viên
351,566
Thành viên mới nhất
nganhuynh130806
Back
Bên trên