Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2012: Kiềm chế lạm phát ở mức một con số

Black

Verified Banker
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2012: Kiềm chế lạm phát ở mức một con số (06/02/2012)
hopbao01.jpg

Chính phủ đã phân tích, nhận định kỹ tình hình, từ đó quyết tâm bám sát các mục tiêu, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức một con số.

Tại cuộc họp báo chiều 4/2/2012, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2012 đã tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, thảo luận dự thảo báo cáo của Chính phủ tổng kết thi hành Hiến pháp 1992... Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, các thành viên Chính phủ đã phân tích, nhận định kỹ tình hình, từ đó quyết tâm bám sát các mục tiêu, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức một con số.

Cùng tham dự Họp báo có Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son, đại diện lãnh đạo các Bộ Tài chính, Công thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư , Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

CPI tháng 1 tăng thấp nhất so với cùng kỳ của 3 năm gần đây
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thông báo về tình hình kinh tế-xã hội cả nước trong tháng 1, tình hình đón Tết Nguyên đán Nhâm Thìn của nhân dân. Bộ trưởng cho biết, giá cả và cung ứng hàng hóa được kiểm soát tốt. CPI tháng 1 tăng 1%, mức tăng thấp nhất trong những năm gần đây.
Theo ông Vũ Đức Đam, Chính phủ cũng sẽ tập trung phát triển sản xuất, đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất để đạt tăng trưởng hợp lý thông qua các công cụ kinh tế, giảm thiểu biện pháp hành chính. Các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp cũng sẽ được tiếp tục thực hiện.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chính phủ thống nhất tập trung đẩy nhanh hoàn thiện các đề án tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước một cách đồng bộ và hiệu quả. Kết hợp hài hòa và xác định được ba vấn đề tái cơ cấu phải thực hiện đồng bộ và có giải pháp linh động, sáng tạo trong việc triển khai.
Tại cuộc họp báo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã trả lời báo giới một số vấn đề liên quan đến thanh khoản hệ thống ngân hàng, lộ trình tái cơ cấu ngân hàng, về giảm lãi suất và lợi nhuận ngân hàng.
Tiền bơm cho ngân hàng trong dịp Tết không gây lạm phát
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc bơm tiền ra thị trường vào đợt Tết như với Tết 2011 là nguyên nhân dẫn đến lạm phát, bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định, lạm phát tăng cao trong những tháng đầu năm 2011 không phải chỉ do việc bơm tiền. Tiền bơm ra qua nghiệp vụ thị trường mở vì thời hạn rất ngắn nên chưa đủ để các tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn này cấp cho nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách kích thích kinh tế khác để khắc phục khủng hoảng. Và riêng năm nay, việc hút tiền về đã được thực hiện một cách kịp thời nên không tác động nhiều đến lạm phát.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện được cải thiện rất nhiều
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Nguyễn Thị Hồng cho biết trong dịp Tết, theo quy luật của các năm, nhu cầu thanh khoản tăng cao. Đặc biệt, vào thời điểm này, do sự biến động của các dòng tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước, của Bảo hiểm xã hội, của các tổ chức kinh tế cũng như nhu cầu rút tiền của người dân chi tiêu Tết đã khiến thanh khoản ngân hàng căng hơn.. Bà Nguyễn Thị Hồng cho hay, trước tình hình này, NHNN đã thông qua các công cụ nghiệp vụ thị trường mở để hỗ trợ kịp thời thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Theo đó, NHNN đã bơm ra một lượng tiền lớn nhằm giúp các tổ chức tín dụng đảm bảo được khả năng chi trả cho người dân. Tuy nhiên, hoạt động này chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở kỳ hạn ngắn (7 ngày và 14 ngày), chỉ một vài phiên là thực hiện theo kỳ hạn 21 ngày. Do vậy, đã tránh được đầu năm có một lượng tiền quá lớn gây khó khăn trong việc xử lý vấn đề thanh khoản của hệ thống. Nhìn chung, thanh khoản của các tổ chức tín dụng đã được đảm bảo. Sau Tết, tiền đã quay trở lại các ngân hàng và thanh khoản của các tổ chức tín dụng rất dồi dào. Việc hút tiền về thông qua kênh nghiệp vụ thị trường mở cũng đã được triển khai tốt.
Trong lộ trình để giải quyết thanh khoản thuộc chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của NHNN, đầu tháng này sẽ có những chỉ thị chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các các giải pháp chính sách theo Quyết định mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Rút kinh nghiệm từ năm 2011, tự các tổ chức tín dụng cũng đang cơ cấu lại danh mục tài sản và vấn đề đảm bảo thanh khoản thời gian tới chắc chắn sẽ được cải thiện – Vụ trưởng Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Hạ lãi suất còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề giảm lãi suất, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ một lần nữa tái khẳng định, hiện Việt Nam đang có tiền đề để giảm lãi suất là lạm phát từ tháng 8 đến nay đã có xu hướng giảm. Tuy nhiên, thời điểm và mức độ giảm lãi suất cụ thể thì vẫn cần theo dõi và gắn liền với tình hình thanh khoản.
Đề cập đến vấn đề này, ông Vũ Đức Đam giải thích lý do mặc dù những tháng gần đây trong khi lạm phát xuống thấp nhưng NHNN vẫn chưa giảm lãi suất. Bộ trưởng nhấn mạnh lập trường của Chính phủ phải thận trọng, tính kỹ về thời điểm để cân đối hài hòa các mục tiêu giải cứu doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng hợp lý và kiềm lạm phát dưới 10%. Khi giảm lãi suất xuống thì yêu cầu lạm phát cũng phải giảm theo để đảm bảo mức lãi suất dương hợp lý. Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ hiểu được khó khăn của doanh nghiệp và có nhiều biện pháp còn phải bàn, nhưng, một trong những hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp là giữ cho đồng tiền ổn định, kiềm được lạm phát dưới một con số, Bộ trưởng cho biết.
Trước đó, khi đối thoại trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, lạm phát giảm chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ để giảm lãi suất trong hệ thống ngân hàng. Lãnh đạo NHNN cùng hệ thống các ngân hàng thương mại đang tìm nhiều giải pháp để từng bước hạ lãi suất trong hệ thống ngân hàng ở mức độ hợp lý vừa để đáp ứng nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp, của nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo mức thanh khoản và tính ổn định của hệ thống ngân hàng.
Lợi nhuận một số ngân hàng không thể cao như công bố ban đầu
Trả lời câu hỏi của phóng viên về thực tế cuối năm có một số ngân hàng thương mại công bố lãi lớn trong khi thị trường chung khó khăn, từ bất động sản cho đến sản xuất kinh doanh, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Nguyễn Thị Hồng lưu ý, để đánh giá hoạt động kinh doanh của một tổ chức tín dụng sau một năm không thể cứ hết tháng 12 là đánh giá hết được. Theo Vụ trưởng, các tổ chức tín dụng đều phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro và lãi công bố chỉ thể hiện ở chênh lệch thu chi chứ chưa hẳn thể hiện hết phần lợi nhuận thu về. Với đặc trưng là tổ chức trung gian nên chắc chắn bị ảnh hưởng và tiềm ẩn những rủi ro từ nợ xấu bất động sản, các doanh nghiệp nên lợi nhuận thực tế không thể cao như công bố ban đầu được.


Phương Trâm
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,088
Tổng số thành viên
351,496
Thành viên mới nhất
betat
Back
Bên trên