Báo cáo vĩ mô tháng 9 - 2011 - Cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định

mai.qth2710

Moderator
Kể từ giữa tháng Tám, NHNN đã có nhiều nỗ lực hướng tới nhằm cân bằng hơn giữa mục tiêu ổn định và tăng trưởng kinh tế.

Trong thời gian gần đây, NHNN thực thi nhiều biện pháp hơn khi giảm lãi suất tiền đồng và tăng thanh khoản trong hệ thống. Lãi suất cho vay giảm 0,5-1%, so với tháng trước đó ở mức 19-20%, trong khi lãi suất huy động giảm mạnh về 14% theo quy định trần lãi suất huy động của NHNN. Nhằm nỗ lực cải thiện thanh khoản trong hệ thống, NHNN đã áp dụng hàng loạt biện pháp để giảm lãi suất tiền đồng, bao gồm:

(1) Bơm thêm tiền thông qua kênh tái cấp vốn nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ và cho vay đảo nợ cho một số ngân hàng thương mại nhà nước trong tháng Chín, chủ yếu là Vietinbank. Trên thị trường mở (OMO), theo tính toán của chúng tôi, lượng tiền bơm ròng qua thị trường mở là 28.000 tỷ đồng (~1,3 tỷ USD). Đồng thời, NHNN cũng tăng kỳ hạn cho vay trên thị trường mở từ 7 ngày lên 14 ngày với lãi suất repo không đổi là 14%.

(2) Ban hành thông tư 22 xóa bỏ tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng huy động (LDR) 80%. Việc gỡ bỏ quy định tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng huy động sẽ phần nào cải thiện tình hình lưu thông tiền tệ giữa thị trường liên ngân hàng và thị trường sơ cấp. Bỏ tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng huy động một mặt giúp giảm lãi suất trên thị trường sơ cấp, mặt khác, các ngân hàng có thể sử dụng vốn trên thị trường liên ngân hàng để cho vay nhiều hơn trên thị trường sơ cấp, từ đó cải thiện thanh khoản.

(3) Buộc các ngân hàng tuân thủ trần lãi suất huy động là 14%/năm và định hướng lãi suất cho vay ở mức 17-19%/năm. Chúng tôi cho rằng, bản thân quy định trần lãi suất huy động sẽ giúp cải thiện thanh khoản.Tuy nhiên NHNN khẳng định sẽ hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ theo sau áp dụng trần lãi suất huy động. Động thái này thúc đẩy nhanh hơn quá trình giảm lãi suất. Khi lãi suất giảm, các ngân hàng có thể cho vay nhiều hơn và thanh khoản trong nền kinh tế sẽ tăng.

(4) Ban hành thông tư số 30/2011/TT-NHNN yêu cầu các ngân hàng tuân thủ qui định lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng là 6%. Theo chúng tôi, thông tư này được ban hành nhằm ngăn chặn rủi ro về khả năng thanh toán khi nhiều ngân hàng áp dụng tiền gửi với kỳ hạn 1 ngày theo sau qui định trần lãi suất huy động. Trong thời gian qua, khi NHNN quy định trần lãi suất 14%/năm, một số ngân hàng lách qui định này bằng cách đưa ra sản phẩm dịch vụ tiền gửi theo ngày nhằm nâng lãi suất thực tế tăng lên 15%/năm.

Song song với nỗ lực hạ lãi suất của NHNN, Thủ tướng Chính phủ cũng tái khẳng định mục tiêu ổn định nền kinh tế và kiểm soát lạm phát vào ngày 27/9. Đặc biệt, Chính phủ đã điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống còn 17% từ mức trước đó là 18-20% và tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán từ 15% giảm còn 12%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính bác bỏ yêu cầu của Bộ Công Thương và Chủ tịch Petrolimex về việc tăng giá nhiên liệu. Bộ trưởng mong muốn việc giảm giá nhiên liệu gần đây sẽ giúp chống lạm phát cũng như giảm lãi suất cho vay. Ông cũng khẳng định sẽ không tăng giá nhiên liệu cho đến cuối năm.

Theo chúng tôi, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và NHNN mong muốn đưa ra gói giải pháp với mục tiêu kiểm soát lạm phát đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, người tham gia thị trường chưa được thuyết phục liệu Chính phủ có thể cùng lúc cân bằng nhiều mục tiêu như giảm lãi suất tiền đồng, kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá.

Ngoài tiền đồng, vàng và đô la Mỹ cũng chiếm vị trí quan trọng tại Việt Nam

Lãi suất tiền đồng giảm cùng với giá vàng thế giới biến động mạnh trong thời gian gần đây đã khiến cho nhu cầu về vàng gia tăng khi một số người dân dịch chuyển từ nắm giữ tiền đồng sang nắm giữ vàng và ngoại tệ. Nhu cầu về vàng gia tăng đã đẩy giá vàng trong nước cao hơn đáng kể so với giá vàng thế giới. Trong tháng 9, có những thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng 4 triệu đồng/ lượng và NHNN đã cho phép nhập khẩu thêm vàng để ổn định thị trường trong nước. Mặc dù giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới trong suốt tháng Chín, chúng tôi tin rằng NHNN sẽ đưa ra những biện pháp cần thiết nhằm thu hẹp khoảng cách này.

Trong suốt tháng 9, tiền đồng được giao dịch cao hơn trần tỷ giá chính thức của Ngân hàng Nhà nước. Vào ngày cuối cùng của tháng Chín, tiền đồng giao dịch trên thị trường tự do là 21.225 đồng/USD, cao hơn 2% so với mức trần tỷ giá chính thức. So với cuối tháng 8, tiền đồng giảm giá 3,28% so với đồng USD. Trên thực tế, tiền đồng đã chịu áp lực giảm giá kể từ tháng Tám do được giải thích bởi những yếu tố sau.Thứ nhất, nhập khẩu vàng tăng đã đẩy nhu cầu USD lên cao. Thứ hai, nhu cầu ngoại tệ do khoản vay đôla đến hạn vào cuối năm. Ngoài ra, tình trạng đầu cơ ngoại tệ khi lãi suất tiền đồng giảm là nguyên nhân quan trọng khiến tiền đồng giảm giá.

Tuy nhiên, mặc dù áp lực giảm giá đồng nội tệ đã bắt đầu kể từ giữa tháng Tám, tuy nhiên, so sánh tương đối với các nước trong khu vực thì khi tỷ giá VND/USD vẫn tương đối ổn định. Trong tháng 8, hầu hết các đồng tiền châu Á đều có mức giảm giá mạnh nhất trong hơn một thập kỷ qua do những lo ngại về khủng hoảng nợ khu vực châu Âu và suy thoái toàn cầu. So với các nước khu vực, tiền đồng ít chịu rủi ro rút vốn từ nước ngoài so với các nước khác theo sau ảnh hưởng của suy thoái kinh tế khi hầu hết các quỹ đầu tư vào Việt nam đều đầu tư dài hạn. Hơn nữa, Việt nam không phải là điểm đến của dòng vốn hưởng hưởng lợi từ gói kích cầu của chính phủ Mỹ.
Trong thời gian tới, chúng tôi tin rằng các yếu tố như nhập siêu giảm, dự trữ ngoại hối tăng và chính sách tiền tệ - tài khóa thận trọng sẽ hỗ trợ tiền đồng không giảm giá mạnh trong quý 4. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cho rằng rủi ro trên thị trường ngoại hối vẫn tiếp diễn khi niềm tin vào tiền đồng chưa thực sự trở lại.

Lạm phát giảm tốc nhưng vẫn cao

Lạm phát theo xu hướng năm đạt đỉnh vào tháng 8 nhưng vẫn duy trì ở mức cao khi lạm phát so với cùng kỳ tăng 22,42% so với tháng 9 năm 2010. Tỷ lệ lạm phát tháng 9 là 0,82% giảm so với mức của tháng trước là 0,93%, tuy nhiên, vẫn cao hơn so với mức trung bình trong chín năm trở lại đây là 0,48%.

Về phía thông tin tích cực, mặc dầu CPI tháng 9 chủ yếu được dẫn dắt bởi nhóm dịch vụ giáo dục khi nhóm này chiếm tới gần 60% trong mức tăng của CPI trong tháng 9. Không kể nhóm giáo dục, CPI chỉ tăng khoảng 0,36% so với tháng trước đó.

Trong tháng 10, chúng tôi dự báo tốc độ tăng CPI là 0,6-0,7% so với tháng trước đó, giá gas giảm và giá lương thực thực phẩm ổn định sẽ hỗ trợ CPI trong tháng 10. Theo chúng tôi, lương cơ bản được điều chỉnh trong tháng 10 sẽ không tác động nhiều lên CPI tháng này khi chúng tôi không nhiều người lao động được hưởng lợi từ sự điều chỉnh này.Tuy nhiên, chi phí của doanh nghiệp có thể tăng nhẹ nếu doanh nghiệp nộp bảo hiểm dựa theo lương cơ bản. Chúng tôi dự báo, lạm phát cả năm ở mức 19,5% so với năm ngoái.

Trong năm tới, lạm phát vẫn là mối lo ngại khi lãi suất giảm mạnh, chi tiêu công vẫn ở mức cao và mối lo ngại về điều chỉnh giá điện tăng trong thời gian tới. Trong thời gian gần đây, chính phủ khẳng định sẽ không tăng giá điện trong năm nay nhưng nhiều khả năng điều chỉnh giá điện có thể thực hiện sau tết âm lịch khi giá bán điện hiện tại chỉ bằng 60% so với giá thành điện theo như tính toán của Bộ Tài chính.

GDP cả năm có thể đạt mục tiêu 6%

Do chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ nhằm chống lạm phát, tốc độ tăng GDP trong 3 quý đầu năm nay đạt 5,7%, giảm mạnh so với mức tăng 9 tháng đầu năm 2010 là 6,54%, Với chính sách tiền tệ hỗ trợ hơn cho tăng trưởng kinh tế kể từ cuối tháng Tám, chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý 4 có thể đạt 6,4% so với năm ngoái, theo đó Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm nay.

Tổng mức bán lẻ loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 3,9% so với mức 15,4% cùng kỳ năm ngoái. Ngành xây dựng chịu ảnh hưởng của lãi suất cao nên tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 4,9% so với mức 10,5% cùng kỳ năm ngoái. Chỉ có khu vực dịch vụ và nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá so với năm 2010 với tốc độ tương ứng là 6,2% và 2,4%.

Nhập siêu tiếp tục cải thiện

Thâm hụt thương mại trong tháng 9 ước tính là 1 tỷ USD cao hơn đáng kể so với 395 triệu USD trong tháng 8 nhưng được chủ yếu do nhập khẩu vàng.Trong tháng 9, nhập khẩu vàng ước đạt 600 triệu USD. Theo đó, nếu không kể vàng, số liệu thâm hụt thương mại tháng 9 là 400 triệu đô la. Tính từ đầu năm đến nay, nhập siêu không kể vàng là 7,8 tỷ USD, cải thiện đáng kể so với 11,2 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2010.

Xuất khẩu tăng mạnh 35% so với cùng kỳ bởi cả hai yếu tố giá và lượng. Giá hàng hóa cơ bản và khối lượng xuất khẩu đều tăng đã giúp giá trị xuất khẩu của nhóm hàng nông nghiệp và năng lượng tăng tương ứng 40% và 45%. Giá trị xuất khẩu của hàng dệt may và giầy da cũng tiếp tục tăng trưởng tốt, tăng 31% trong 9 tháng đầu năm.

Nhập khẩu tăng chậm hơn so với xuất khẩu và dẫn đầu là nhóm hàng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hơn là hàng tiêu dùng. Giá trị nhập khẩu tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhập khẩu nhóm hàng nguyên vật liệu dệt may tăng 30%, phân bón tăng 63% và nhiên liệu tăng 60%. Nhập khẩu ô tô và xe máy tăng chậm hơn với tỷ lệ 18%.

Với những thông tin lạc quan hơn về thâm hụt thương mại, chúng tôi điều chỉnh dự báo thâm hụt thương mại năm nay giảm xuống còn 10-11 tỷ USD từ mức dự báo ban đầu là 12 tỷ USD, cải thiện đáng kể so với mức nhập siêu năm ngoái là 12,6 tỷ USD.

Nhận định thị trường

Thị trường bắt đầu xuất hiện đà tăng từ cuối tháng Tám và kéo dài đến nửa đầu tháng Chín. Tuy nhiên, những bất ổn quanh kế hoạch " Operation Twist " của Mỹ và các gói cứu trợ của khu vực châu Âu cùng những lo ngại về bức tranh vĩ mô Việt Nam đã khiến thị trường trong nước để mất số điểm đạt được trong tháng Chín. Đáng chú ý, trong khi hầu hết các cổ phiếu thay đổi khá đồng đều trong tháng Tám khi thị trường hồi phục từ mức thấp nhất trong năm hai qua thì đa số những phiên điều chỉnh của VNIndex trong tháng Chín là do 5 cổ phiếu lớn chiếm khoảng 44% vốn hóa thị trường chi phối, gồm có MSN, VNM, BVH, VIC và EIB. Hình dưới cho thấy diễn biến của hầu hết các cổ phiếu vẫn tương đối tích cực hơn mức điều chỉnh của 5 cổ phiếu lớn.

Kế hoạch tái cơ cấu chỉ số ETF công bố vào đầu tháng Chín vừa qua đã khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ra một số cố phiếu, nhưng những lo ngại rủi ro về bất ổn kinh tế toàn cầu mới là lý do chủ yếu khiến nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng trong nửa cuối tháng Chín. Đây là tháng bán ròng lớn nhất của khối ngoại kể từ năm 2009 với giá trị khoảng 998,2 tỷ đồng (47,5 triệu USD).Tuy nhiên, trong đó 5 cổ phiếu lớn chiếm 2/3 giá trị, VIC là cổ phiếu dẫn đầu với giá trị bán ròng 451,3 tỷ đồng (21,5 triệu USD).

Mặc dù xoay chuyển liên tục nhưng tháng Chín là tháng thứ 2 giao dịch diễn ra sôi động nhất kể từ đầu năm đến nay. Trong khi nhà đầu tư nước ngoài bán ra, nhà đầu tư trong nước lại mua vào để đón lấy cơ hội. Chính hoạt động tái phân bổ tài sản của nhà đầu tư trong nước là yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng qua. Thanh khoản trong tháng Chín cao hơn khoảng 36% so với mức trung bình từ đầu năm đến nay và giá trị mua ròng 1.189 tỷ đồng của nhà đầu tư trong nước cho thấy việc lãi suất tiền đồng và giá vàng giảm đã khuyến khích nhà đầu tư chuyển hướng sang chứng khoán. Với động thái cho phép nhập khẩu vàng nhiều hơn trong tháng Chín của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi kỳ vọng khoảng cách giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước sẽ thu hẹp dần, kích thích dòng tiền chảy vào chứng khoán mạnh hơn.

Thị trường Việt Nam đang trong giai đoạn điều chỉnh sau khi đạt đỉnh trong tháng Chín, do đó chúng tôi tin rằng các số liệu định giá hiện nay đem lại cho nhà đầu tư tỷ suất đầu tư an toàn, đặc biệt là khi tình hình vĩ mô đã chút ít cải thiện về tốc độ tăng lạm phát, thâm hụt thương mại, dự trữ ngoại hối, chính sách tài khóa và tiền tệ. Hơn nữa, ở mức giá hiện tại, cổ phiếu Việt Nam đang rẻ hơn so với khi thị trường chạm đáy trong tháng 2/2009 và đang được giao dịch ở mức P/E khoảng 10,5x, với P/E 4 quý gần nhất thấp thứ 3 so với các quốc gia trong khối BRIC và CIVETS.

Áp lực lạm phát tác động mạnh lên thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay đang từng bước được xoa dịu. Chúng tôi tin rằng đến cuối năm 2012, CPI chỉ ở khoảng 12% và lạm phát giảm sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán trong nước. Mặc dù CPI tháng Chín năm nay so với cùng kỳ năm trước vẫn còn rất cao nhưng lạm phát giảm dần sẽ mở ra những cơ hội tăng trưởng mới cho thị trường chứng khoán.

VSC​
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,088
Tổng số thành viên
351,496
Thành viên mới nhất
betat
Back
Bên trên