Vì sao nhà tuyển dụng chưa gọi bạn?

tunx89

Moderator
VÌ SAO HỒ SƠ CỦA BẠN BỊ LOẠI RA KHỎI “VÒNG CHIẾN”?

Bạn đang tìm kiếm cơ hội việc làm qua mạng tuyển dụng. Bạn muốn đăng hồ sơ càng nhanh càng tốt để hàng ngàn nhà tuyển dụng (NTD) đọc được hồ sơ của bạn. Khoan đã, bạn đừng vội. Sự nóng lòng đó có thể khiến bạn thất bại đấy. Hãy chú ý đến các nguyên tắc cơ bản sau đây để không bị NTD loại ra khỏi “vòng chiến”.

Bạn có thể tưởng tượng mỗi ngày NTD nhận được bao nhiêu bộ hồ sơ? Một công ty lớn như Intel có thể nhận trên 1 ngàn bộ hồ sơ mỗi ngày! Vì vậy, bạn đừng tự “hại” mình vì vô tình tạo ra những lỗi khiến NTD không ngần ngại gạt hồ sơ của bạn sang một bên.

Phần 1: Hình thức trình bày

Dù NTD “chuộng” hồ sơ viết bằng tiếng Anh, bạn vẫn có thể đăng hồ sơ bằng tiếng Việt. Đây là những nguyên tắc cơ bản nhất bạn cần chú ý khi viết hồ sơ bằng một trong hai ngôn ngữ:

- Viết đầy đủ dấu câu (đối với hồ sơ tiếng Việt), không được sai lỗi chính tả: NTD kỵ nhất là bạn viết sai chính tả. Không có gì tệ hại cho bằng việc bạn viết sai dấu hỏi thành dấu ngã hay ngược lại.

-Trình bày rõ ràng, mạch lạc; sử dụng gạch đầu dòng nếu cần thiết. Nguyên tắc chung là bạn KHÔNG bao giờ viết những câu dài như “sáu câu vọng cổ”. Viết câu chữ càng dài, đặc biệt là viết tiếng Anh, sẽ dễ làm cho bạn mắc lỗi ngữ pháp và diễn đạt khó hiểu.

- Không dùng chữ viết tắt. Bằng mọi cách, bạn cần tránh tất cả chữ viết tắt vì NTD đâu phải là chuyên gia trong mọi lĩnh vực để hiểu bạn muốn nói gì với chữ viết tắt phải không? Ví dụ, hầu hết các NTD đều biết rằng VP là viết tắt của Vice President. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng SVP là viết tắt của "Senior Vice President", hay RM là "Regional Manager", và CCS là viết tắt của "Customer Care Specialist”. Nếu bạn sử dụng những từ viết tắt trong hồ sơ thì phải chắc chắn đây là những từ phổ biến và được mọi người biết đến.

- Không trình bày toàn bộ hồ sơ bằng chữ in hoa.

- Viết hoa chữ cái đầu tiên cho tên riêng, đầu dòng, và phía sau dấu chấm. Ví dụ “Họ tên: Nguyễn Lan Hương” thay vì “họ tên: nguyễn lan hương”. Rõ ràng, bạn đâu muốn hạ thấp giá trị của mình với cách viết buông tuồng phông chữ này phải không?

- Không đưa các thông tin không liên quan hoặc gây bất lợi cho bạn. Đừng bao giờ để NTD thấy được “điểm yếu” của bạn. Nhiều ứng viên hết sức vô tư ghi trong hồ sơ của mình “Tôi không có năng khiếu về lĩnh vực A, lĩnh vực B.” Tại sao vậy? Bạn đâu muốn tỏ ra mình kém cỏi trước NTD phải không?


Phần 2: Vì sao bạn nên tạo hồ sơ từng bước?


Bạn cần lưu ý các điểm sau khi tạo hồ sơ từng bước:

Tiêu Đề Hồ Sơ (Bước 1)

Bạn cần ghi rõ vị trí muốn ứng tuyển, ví dụ “Nhân viên Kinh doanh”, ngay ở Tiêu đề hồ sơ (Resume Title). Đừng ghi chung chung là Đơn xin việc, Đơn xin ứng tuyển…

Thông Tin Cá Nhân (Bước 2)

Bạn cần nhập đầy đủ Thông Tin Cá Nhân và Thông Tin Liên Hệ (gồm điện thoại, địa chỉ email…) để NTD liên lạc với bạn dễ dàng.

Lưu ý: Không dùng các địa chỉ email như kelangtu@..., doitoicodon@..., vì NTD sẽ đánh giá bạn là người không nghiêm túc và đánh rớt bạn ngay. Tốt nhất địa chỉ email nên gồm tên thật của bạn như linhtrang@...

Kinh Nghiệm Làm Việc (Bước 3)

Đây là phần quan trọng nhất trong hồ sơ tìm việc. NTD sẽ dựa vào kinh nghiệm làm việc của bạn để đánh giá và tuyển chọn ứng viên phù hợp nhất. Vì vậy bạn nên:
- Trình bày cụ thể và súc tích các nhiệm vụ chính mà bạn đã và đang đảm trách.
- Nhấn mạnh các thành tích mà bạn đã đạt được.
- Dùng động từ ở thể chủ động (lên kế hoạch, điều phối, phát triển…) để mô tả các hoạt động và thành tích của bạn.
- Đưa thông tin chính xác, tránh phóng đại về nhiệm vụ và thành tích.

Lưu ý: NTD rất dễ “mất kiên nhẫn” với những ứng viên viết “tràn lan đại hải”, không có dấu gạch đầu dòng để phân biệt các ý chính. NTD còn rất “kỵ” những hồ sơ phô trương thái quá. Hãy để chính giá trị của bạn lên tiếng thay vì phóng đại thành tích và nhiệm vụ của mình.

Học Vấn (Bước 4)
Trong phần Thông tin liên quan, bạn có thể đề cập các chứng chỉ khác, các giải thưởng hoặc học bổng… mà bạn đạt được.

Lưu ý: Học vấn có thể là “vũ khí lợi hại” cho bạn trong trường hợp NTD có 2 ứng viên “ngang sức ngang tài”. Khi đó, NTD có thể sẽ thiên về ứng viên có bằng cấp cao hơn.

Công Việc Mong Muốn (Bước 5)
Bạn cần nêu rõ thông tin về công việc mong muốn để giúp NTD quyết định xem liệu bạn có phù hợp với vị trí họ muốn tuyển hay không.

Mức Lương Mong Muốn:
Bạn nên tìm hiểu trước khi đi phỏng vấn để đưa ra mức lương phù hợp vì NTD sẽ bỏ qua hồ sơ của bạn chỉ vì mức lương mong muốn quá cao so với thực tế.

Mục tiêu nghề nghiệp:
Bạn nên diễn đạt gãy gọn và cụ thể mong muốn của mình về vị trí ứng tuyển. NTD muốn biết liệu mục tiêu này có phù hợp với kinh nghiệm và kỹ năng của bạn hay không.

Ví dụ: Tôi mong muốn làm việc ở vị trí Trưởng phòng Dịch Vụ khách hàng. Tôi có nhiều kinh nghiệm quản lý và kỹ năng chuyên môn trong ngành dịch vụ khách hàng ở các công ty kinh doanh. Tôi tin mình sẽ đóng góp đáng kể cho sự thành công của quý công ty.

Kỹ năng (Bước 6)

Nếu kỹ năng của bạn không nằm trong danh mục các kỹ năng Ngoại Ngữ, Kỹ Năng Vi Tính, Kỹ Năng “Mềm”…, hãy nhập thông tin này vào mục Kỹ Năng Khác.

Lưu ý: Kỹ năng là yếu tố không kém phần quan trọng so với kinh nghiệm làm việc. Các công ty luôn đánh giá cao ứng viên có kỹ năng làm việc tốt, đặc biệt là kỹ năng “mềm”. Nếu hai hồ sơ có kinh nghiệm/học vấn như nhau thì NTD sẽ ưu tiên cho ứng viên có kỹ năng nổi trội hơn.

Người Tham Khảo (Bước 7)

NTD muốn tìm hiểu năng lực của bạn qua một người khác. Vậy bạn có thể giới thiệu sếp trực tiếp của bạn ở công ty đã/đang làm để làm người tham khảo cho bạn.
Nếu bạn mới tốt nghiệp và chưa có kinh nghiệm, bạn có thể giới thiệu Thầy/Cô ở trường Đại học/Cao đẳng nơi bạn đã theo học.
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,084
Tổng số thành viên
351,475
Thành viên mới nhất
Baotruc
Back
Bên trên