HOT Vấn đề về Xử lý Tài sản bảo đảm của KH Quá hạn

Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại (NH) là hoạt động mang tính rủi ro, ngoài ngành nghề kinh doanh quy định trong Điều lệ được pháp luật cho phép thì hoạt động chủ yếu của NHTM là huy động và cho vay. Hoạt động cho vay luôn tiềm ẩn rủi ro, khách hàng (KH) vay vốn vì nhiều lý do không trả được nợ (bao gồm cả nợ gốc và nợ lãi) dẫn đến NHTM phải “gồng mình” vừa bù đắp cho khoản vay mà KH không trả được theo hợp đồng tín dụng đã ký, vừa phải trả lãi tiền huy động từ tổ chức và người dân. Do vậy, việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) từ khoản vay của KH là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của NHTM.

Khi khách hàng vay ngân hàng nhưng không trả nợ thì TSBĐ sẽ được ngân hàng xử lý như thế nào? NH thỏa thuận với KH về xử lý tài sản hay NH tự xử lý tài sản mà không cần ý kiến của KH hoặc chủ sở hữu tài sản (người dùng tài sản thuộc sở hữu của mình đảm bảo cho khoản vay của KH) hoặc NH khởi kiện KH ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền… Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin chia sẻ một số cách thức xử lý TSBĐ đã được thực hiện trên thực tế với mong muốn sẽ giúp ích cho công tác xử lý nợ, thu hồi tiền, tài sản cho NH.

Thứ nhất: “Khởi kiện theo sự thỏa thuận”

Về nguyên tắc, trong tất cả các hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay được ký giữa NH với KH bao giờ cũng có điều khoản về luật điều chỉnh và giải quyết tranh chấp, hầu hết các NH và KH đều thỏa thuận là sẽ khởi kiện tại Tòa án khi một trong hai bên thực hiện không đúng, không đầy đủ các điều khoản đã quy định trong hợp đồng.
Khi NH đã khởi kiện khách hàng ra Tòa án ta phải hiểu giữa NH và KH đã không có tiếng nói chung về việc xử lý tài sản mà hai bên đã thỏa thuận (hai bên mâu thuẫn và không thể thỏa thuận được với nhau về cách thức xử lý TSBĐ), tuy nhiên, tác giả vẫn sử dụng cụm từ “khởi kiện theo sự thỏa thuận” là vì khi khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền, trong giai đoạn tiền tố tụng (giai đoạn trước khi Tòa án đưa vụ án ra xét xử) theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Thẩm phán sẽ triệu tập nguyên đơn (là người đi kiện - thường là NH) và bị đơn (là người bị kiện - thường là KH) đến để hòa giải và trong quá trình hòa giải dưới sự chủ trì của Thẩm phán, NH và KH thỏa thuận được với nhau về việc xử lý TSBĐ thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định sẽ có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (Điều 188 Bộ Luật tố tụng dân sự). Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự có hiệu lực cho đến khi các bên hoàn thành nghĩa vụ đã thỏa thuận và được Tòa án ghi nhận, tôn trọng quyền quyết định của các đương sự. Nếu hai bên đương sự tiến hành hòa giải, tự thỏa thuận được với nhau để giải quyết vụ án, kể cả khi vụ án đang được Tòa án xét xử thì quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự vẫn có hiệu lực (Điều 270 Bộ Luật tố tụng dân sự).

Trên cơ sở quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, NH cần làm ngay đơn yêu cầu thi hành án để xử lý tài sản thu hồi tiền, tránh việc để lâu, tài sản bị hao mòn và mất giá trị. Cũng cần lưu ý, quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thoả thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe doạ hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. (Giám đốc thẩm: Là việc xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án).

Việc “khởi kiện theo sự thỏa thuận” vừa tiết kiệm thời gian xử lý nợ, đảm bảo TSBĐ không bị hao mòn vừa một phần nào đó bảo vệ cho các cán bộ của NH không bị “hình sự hóa” vì thiệt hại đã không xẩy ra do NH đã sớm xử lý được tài sản, thu hồi tiền.

Thứ hai: “Ngân hàng tự xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng”

Khi ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay, NH cần lưu ý trong hợp đồng phải thỏa thuận điều khoản về phương thức xử lý tài sản, trong đó, khẳng định "nếu bên vay (KH) không trả được nợ đúng hạn thì NH (bên cho vay) sẽ được toàn quyền xử lý TSBĐ mà không cần sự đồng ý của bên có tài sản" vì theo quy định, khi đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì tài sản thế chấp được xử lý theo phương thức do các bên đã thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật. Bên nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản thế chấp. Nếu đã có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản thì NH có thể tự tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để xử lý tài sản theo phương thức đó. Khi xử lý tài sản, NH căn cứ nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý TSBĐ mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của KH (Khoản 15 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP, ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006).

Thứ ba: “Hãy tận dụng chức năng của Văn phòng Thừa phát lại”

Theo quy định khi KH vay không trả nợ, NH phải tiến hành xử lý TSBĐ để thu hồi nợ. Mặc dù đã xử lý TSBĐ nhưng NH vẫn không thu đủ nợ gốc và nợ lãi của KH thì về nguyên tắc, NH có quyền yêu cầu KH bổ sung tài sản thế chấp. Tuy nhiên, nếu KH không còn tài sản và NH cũng không xác định được KH còn tài sản hay không để yêu cầu bổ sung thì khoản vay này được coi là khoản thiệt hại mà NH phải gánh chịu. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy KH vẫn còn tài sản nhưng đã giấu không cho NH biết và NH cũng không truy tìm được tài sản của KH. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào xác định được KH còn tài sản hay không còn tài sản? Xin trả lời: hãy giao nhiệm vụ này cho Văn phòng Thừa phát lại. Vì theo quy định, Văn phòng Thừa phát lại có chức năng xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự, do vậy, NH cần tận dụng để yêu cầu Thừa phát lại truy tìm tài sản của KH (Văn phòng Thừa phát lại được thành lập hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh nếu có từ hai thừa phát lại trở lên. Văn phòng Thừa phát lại là do tổ chức, cá nhân tự lập ra khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Điều 16 Nghị định 61/2009 về điều kiện cơ sở vật chất và cơ cấu tổ chức bộ máy. Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Đặc biệt, Văn phòng Thừa phát lại phải ký quỹ 100 triệu đồng cho mỗi Thừa phát lại hoặc có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Việc ký quỹ được thực hiện tại tổ chức tín dụng trên địa bàn).
 
Cho mình hỏi khách hàng không trả được nợ và mình được quyền bán tài sản thế chấp nhưng thủ tục cụ thể như thế nào? Ví dụ ngân hàng tìm được khách mua tài sản thế chấp thì làm sao để sang tên sổ đỏ từ khách vay sang người mua mới.
 
Về vấn đề Thừa phát lại, ví dụ NH phát hiện ra khách còn tài sản thế chấp và văn phòng thừa phát lại cũng xác minh được nhưng ai là người có quyền tịch thu tài sản của khách hàng để trả nợ. ví dụ khách có nguồn thu nhập từ việc đi làm công, hoặc khách còn tài sản đang cho thuê phòng trọ.
 
Các bạn bankers cho mình hỏi (mình là người ngoại đạo), nếu 1 khách hàng có dư nợ vay 1 tỷ, đã bị quá hạn 1 năm, xếp hạng vào nợ nhóm 5. Tài sản đảm bảo được định giá 2 tỷ, như vậy có phát sinh trích lập dự phòng cụ thể cho món nợ xấu nhóm 5 này không? Vì mình đọc thông tư 02-2013 về trích lập nợ xấu thì thấy trích lập nợ xấu nhóm 5= 100%x( dư nợ hiện tại- giá trị tài sản đảm bảo), thì thấy không cần trích lập cụ thể cho món nợ này.
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,574
Số bình luận
528,077
Tổng số thành viên
351,222
Thành viên mới nhất
milfnutlife
Back
Bên trên