Vấn đề chứng từ gốc trong giao dịch thư tín dụng

Linhth

Moderator
Quy định về chứng từ gốc (original documents) tại Điều 20(b) UCP 500 tưởng như không có gì đáng bàn nhưng thực tế trong giao dịch thư tín dụng (LC) cho thấy quy định này đã từng bị cáo buộc là kẻ tội đồ gây tranh cãi và kiện tụng nhiều nhất. Đã có không ít vụ tranh chấp liên quan đến vấn đề chứng từ gốc xảy ra, điển hình là tranh chấp giữa Glencore International A.G. & Bayerishche Vereinsbank A.G. và Bank of China (vụ Glencore) và vụ tranh chấp giữa Kredietbank Antwerp và Midland Bank PLC (vụ Kredietbank) mà những phán quyết trái ngược của các toà án liên quan đã buộc Uỷ ban Tập quán và Kỹ thuật Ngân hàng ICC (UBNH ICC) phải ra Quyết định Chính sách ngày 12/7/1999 giải thích về việc xác định chứng từ gốc trong ngữ cảnh của Điều 20(b) UCP 500 (ICC Policy Decision: The determination of.an “Original” document in the context of UCP 500 sub-Article 20(b)).

UCP 600 đã được Uỷ ban Ngân hàng ICC thông qua với nhiều thay đổi so với UCP 500, trong đó có sự thay đổi liên quan đến quy định về chứng từ gốc. Nhân cơ hội này, người viết xin được xới lại vấn đề chứng từ gốc trong giao dịch LC với hi vọng giúp bạn đọc quan tâm hiểu thêm về vấn đề này.

Quy định về chứng từ gốc tại Điều 20(b) UCP 500

Điều 20(b) UCP 500 quy định về chứng từ gốc như sau: “Trừ phi LC quy định khác, các ngân hàng cũng sẽ chấp nhận là chứng từ gốc (đối với) chứng từ được tạo lập (produced) hoặc thể hiện là đã được tạo lập:
(i) bằng hệ thống sao chụp, tự động hoặc được vi tính hoá;
(ii) là các bản sao bằng giấy than;
miễn là chứng từ đó được ghi chú là bản gốc) và thể hiện được ký ở nơi cần thiết. Chứng từ có thể ký bằng chữ viết tay, bằng chữ ký fascimile, bằng chữ ký đục lỗ, bằng con dấu, bằng biểu tượng, hoặc bằng bất cứ phương pháp xác thực bằng điện tử hay cơ khí khác”.

Vấn đề rắc rối đã phát sinh từ cách dùng từ và câu chữ khá rối rắm của Điều 20(b) UCP 500. Điều 20(b) sử dụng cụm từ “cũng sẽ chấp nhận” (will also accept). Từ “cũng” trong quy định này nghĩa là gì ? Phải chăng nó có nghĩa là bất cứ chứng từ nào được tạo lập bằng bất cứ phương pháp nào nêu trong quy định cũng sẽ được chấp nhận là bản gốc nếu được ghi chú là bản gốc ? Phải chăng khi soạn thảo Điều 20(b), ICC đã nghĩ đến những loại chứng từ khác được xem là chứng từ gốc dù không được ghi chú là bản gốc ?

Câu chữ của mệnh đề điều kiện “... miễn là chứng từ đó được ghi chú là bản gốc và thể hiện được ký ở nơi cần thiết...” (provided that it is marked as original and, where necessary, appears to be signed) được cho là nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề rắc rối của Điều 20(b) UCP 500.

Điều này đã được chứng minh qua thực tế một số vụ tranh chấp liên quan đến chứng từ gốc trong giao dịch LC. Các quan toà khi giải quyết tranh chấp đã có những cách hiểu và giải thích rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, về Điều 20(b) UCP 500.

Toà Phúc thẩm Anh khi xét xử vụ Glencore năm 1996 cho rằng bất kỳ chứng từ, dù thực tế có phải là bản gốc hay không, được tạo lập bằng bất kỳ phương pháp nào nêu ở Điều 20(b) đều phải được ghi chú là bản gốc để được chấp nhận là chứng từ gốc. Ngay cả các chứng từ không phải là một bản sao của một chứng từ khác cũng bị từ chối nếu không được đóng dấu bản gốc và nếu được tạo lập bằng một trong những cách thức nêu tại Điều 20(b).

Quan điểm của Toà Phúc thẩm vụ Kredietbank năm 1999 thì hoàn toàn ngược lại. Toà Phúc thẩm cho rằng Điều 20(b) mở rộng loại chứng từ mà có thể được xem như là chứng từ gốc, vượt quá giới hạn những chứng từ mà xét bề ngoài rõ ràng là chứng từ gốc, bao gồm các bản sao được ghi chú là những bản gốc. Tuy nhiên, không có yêu cầu nào bắt buộc những chứng từ gốc, dù được tạo lập bằng các cách thức quy định tại Điều 20(b), phải được ghi chú là bản gốc.

Giải thích của UBNH ICC về việc xác định chứng từ gốc trong ngữ cảnh Điều 20(b) UCP 500
Quyết định tréo ngoe của hai toà án trên đã dẫn đến những cuộc tranh luận về chứng từ gốc trong cộng đồng những người thực hành LC và trong UBNH ICC. Những cuộc tranh luận này đã dẫn đến việc UBNH ICC phải ra

Quyết định Chính sách ngày 12/7/1999 giải thích về việc xác định chứng từ gốc trong ngữ cảnh của Điều 20(b) UCP 500. Giải thích của UBNH ICC về vấn đề này như sau:

Các ngân hàng kiểm tra chứng từ xuất trình theo LC để xác định, trong số những điều khác, trên bề mặt chứng từ có thể hiện là chứng từ gốc hay không. Trừ phi chứng từ tự nó thể hiện rằng nó không phải là bản gốc, các ngân hàng xem chứng từ mà có chữ ký, ký hiệu, con dấu, nhãn mác của người phát hành là chứng từ gốc. Như vậy, trừ phi thể hiện khác, chứng từ được xem là chứng từ gốc nếu nó:
(A) thể hiện được viết, đánh máy, đục lỗ, hoặc đóng dấu bằng tay của người phát hành; hoặc
(B) thể hiển trên giấy văn phòng gốc của người phát hành; hoặc
(C) nêu rằng nó là bản gốc, trừ phi lời diễn giải đó thể hiện là không áp dụng đối với chứng từ xuất trình (chẳng hạn do nó thể hiện là một bản sao chụp của một chứng từ khác và lời diễn giải về tính chất gốc thể hiện là áp dụng đối với chứng từ khác).

Chứng từ được ký bằng tay (Hand signed documents)

Theo đoạn (A) nêu trên, các ngân hàng xem chứng từ được ký bằng tay bởi người phát hành chứng từ là chứng từ gốc. Ví dụ, một hối phiếu hoặc một hoá đơn thương mại được ký bằng tay được xem là một chứng từ gốc, dù có hay không một số hoặc tất cả các yếu tố cấu thành của chứng từ được in sẵn, được sao bằng giấy than, hoặc được tạo lập bằng các hệ thống sao chụp, tự động hoặc được vi tính hoá.

Chứng từ được ký bằng fascimile (Facsimile signed documents)

Các ngân hàng xem chữ ký fascimile tương đương với chữ ký bằng tay. Như vậy, một chứng từ mà có chữ ký fascimile của người phát hành chứng từ cũng được xem là một chứng từ gốc.

Bản sao chụp (Photocopies)

Các ngân hàng xem chứng từ mà thể hiện là một bản sao chụp của một chứng từ khác không phải là chứng từ gốc. Tuy nhiên, nếu bản sao chụp thể hiện đã được người phát hành chứng từ hoàn thành bằng cách ghi chú bằng tay trên bản sao chụp, thì theo đoạn (A) nêu trên, chứng từ kết quả được xem là chứng từ gốc trừ phi chứng từ đó thể hiện khác. Nếu một chứng từ thể hiện đã được tạo lập bằng cách sao chụp văn bản lên trên giấy văn phòng gốc thay vì trên giấy trống, thì theo đoạn (B) nêu trên, chứng từ đó được xem là chứng từ gốc trừ phi nó đó thể hiện khác.

Xuất trình chứng từ bằng telefax (Telefaxed presentation of documents)

Các ngân hàng xem chứng từ được tạo lập tại máy telefax của ngân hàng không phải là chứng từ gốc. LC quy định cho phép việc xuất trình được thực hiện bằng telefax thì miễn yêu cầu xuất trình bản gốc của bất kỳ chứng từ được xuất trình bằng telefax.

Những diễn giải thể hiện tính chất gốc (Statements indicating originality)

Theo đoạn (A) hoặc đoạn (C) nêu trên, chứng từ sẽ được xem là một chứng từ gốc nếu trên chứng từ có đóng dấu “bản gốc”. Chứng từ cũng sẽ được xem là bản gốc nếu trong chứng từ có diễn giải rằng nó là “bản gốc thứ hai” (duplicate original) hoặc “bản thứ ba/ba” (third of the three). Tính chất gốc cũng được quy định bằng một sự diễn giải trong chứng từ rằng chứng từ không có giá trị nếu một chứng từ khác có cùng thời hạn và cùng ngày được sử dụng.

Những diễn giải thể hiện tính chất không phải gốc (Statements indicating non-originality)

Chứng từ không được xem là bản gốc nếu trong chứng từ có diễn giải rằng nó là một bản sao đích thực của một chứng từ khác hoặc thể hiện rằng một chứng từ khác là bản gốc duy nhất. Một diễn giải trong chứng từ thể hiện rằng nó là “bản sao của khách hàng” hoặc “bản sao của người gửi hàng” không phủ nhận và cũng không khẳng định tính chất gốc của nó.

Những chứng từ không được xem là chứng từ gốc

Chứng từ thể hiện không phải là bản gốc nếu nó:
• thể hiện là được tạo lập trên máy telefax;
• thể hiện là một bản sao chụp của một chứng từ khác mà chưa được hoàn thành bằng việc ghi chú bằng tay lên bản sao chụp hoặc bằng cách sao chụp nó trên giấy mà thể hiện là giấy văn phòng gốc; hoặc
• nêu trong chứng từ rằng nó là một bản sao đích thực của một chứng từ khác hoặc chứng từ khác đó là một bản gốc duy nhất.

Trở lại vụ Glencore nêu trên, liên quan đến chữ ký bằng tay, quyết định của Toà Phúc thẩm Anh cho rằng nếu chứng từ được tạo lập bằng một trong những cách nêu tại Điều 20(b) UCP 500, chứng từ đó phải được ghi chú là bản gốc. Chữ ký gốc chỉ là một cách xác thực chứng từ; chữ ký trên một bản sao không làm cho bản sao trở thành bản gốc mà tạo thành một bản sao được xác thực. Điều 20(b) không xem chữ ký là sự thay thế cho việc ghi chú là bản gốc, mà chỉ là một yêu cầu bổ sung trong một số trường hợp.

Với cách giải thích trên, Toà Phúc thẩm Anh đã hậu thuẫn cho việc Bank of China từ chối chứng từ với lý do rằng chứng từ đã không được ghi chú là bản gốc, mặc dù thực tế các chứng cứ khác cho thấy chứng từ đó thể hiện là một bản gốc và được người hưởng lợi ký bằng mực xanh.

Có thể thấy rằng cách giải thích của Toà Phúc thẩm vụ Glencore ngược với giải thích của UBNH ICC về việc xác định chứng từ gốc trong ngữ cảnh của Điều 20(b) UCP 500. Theo giải thích của UBNH ICC, các ngân hàng xem chứng từ thể hiện được ký bằng tay bởi người phát hành chứng từ là chứng từ gốc, dù có hay không một số hoặc tất cả các yếu tố cấu thành của chứng từ được in sẵn, được sao bằng giấy than, hoặc được tạo lập băng các hệ thống sao chụp, tự động hoặc được vi tính hoá.

Tưởng rằng từ sau Quyết định của UBNH ICC, vấn đề bản gốc bản sao xem như đã được giải quyết và sẽ không còn những tranh chấp liên quan nữa. Thế nhưng bất chấp quyết định đó, một số ngân hàng vẫn gặp rắc rối với định nghĩa về chứng từ gốc mà vụ tranh chấp giữa Credit Industriel et Commercial và China Merchant Bank là một ví dụ điển hình. Thẩm phán David Steel khi giải quyết vụ này cũng đã phải liên hệ đến các quyết định của hai toà án xét xử vụ Glencore và vụ Kredietbank cũng như tham khảo quyết định của UBNH ICC.

Quy định về chứng từ gốc tại Điều 17(b) và (c) UCP 600

Vấn đề chứng từ gốc trong giao dịch LC như đã trình bày là đã từng gây nhiều tranh cãi và kiện tụng đến nỗi UBNH ICC phải có văn bản giải thích các nguyên tắc chung về việc xác định chứng từ gốc trong giao dịch LC. Các nguyên tắc này sau đó được cập nhật trong ISBP (Tập quán Ngân hàng Tiêu chuẩn Quốc tế về việc kiểm tra chứng từ trong phương thức tín dụng chứng từ) thành một mục riêng (Bản gốc và bản sao) gồm 5 đoạn từ 31-35. Trong quá trình dự thảo UCP 600, vấn đề chứng từ gốc cũng đã được UBNH ICC lưu ý và không quên sửa đổi cho phù hợp với tập quán.

Quy định mới về chứng từ gốc được thể hiện tại Điều 17 UCP 600, trong đó. Điều 17(b) quy định rằng ngân hàng sẽ xem là chứng từ gốc bất kỳ chứng từ nào mà có chữ ký gốc rõ ràng, được ghi chú, đóng dấu, hoặc có nhãn hiệu của người phát hành chứng từ, trừ phi chứng từ tự nó quy định rằng nó không phải là bản gốc; Điều 17(c) quy định rằng trừ phi chứng từ quy định khác, ngân hàng cũng sẽ chấp nhận chứng từ là bản gốc nếu nó: (i) thể hiện được viết, đánh máy, đục lỗ hoặc được đóng dấu bằng tay của người phát hành; hoặc (ii) thể hiện ở trên giấy văn phòng gốc của người phát hành; hoặc (iii) nêu rằng nó là bản gốc, trừ phi diễn giải đó thể hiện không áp dụng đối với chứng từ xuất trình.

Có thể nói rằng quy định tại Điều 17 (b) và (c) UCP 600 đã cụ thể hoá tinh thần của Quyết định Chính sách ngày 12/7/1999 của UBNH ICC về việc xác định chứng từ gốc. So với quy định tại Điều 20(b) UCP 500, quy định về chứng từ gốc tại Điều 17 (b) và (c) UCP 600 đơn giản hơn nhiều: Điều 17 (b) và (c) UCP 600 chỉ đề cập đến chữ ký của người phát hành, chữ viết và giấy in sẵn tiêu đề và hoàn toàn không đề cập đến phương pháp tạo lập chứng từ vốn từng gây khó khăn cho các toà án khi xét xử các vụ tranh chấp liên quan đến chứng từ gốc. Điều 17 (b) và (c) UCP 600 cũng loại bỏ yêu cầu bắt buộc chứng từ phải được ghi chú “bản gốc” thì mới được xem là chứng từ gốc như đã được quy định tại Điều 20(b) UCP 500..

Tóm lại, có thể hiểu Điều 17 (b) và (c) một cách đơn giản như sau: nếu chứng từ được người phát hành viết và/hoặc ký bằng tay, chứng từ đó được xem là chứng từ gốc dù không được ghi chú là “bản gốc”. Nếu chứng từ được tạo lập trên giấy văn phòng gốc, chẳng hạn như trên giấy in sẵn tiêu đề (tên, địa chỉ...) của người phát hành chứng từ, chứng từ đó được xem là chứng từ gốc dù không được ghi chú là “bản gốc” và không có chữ ký gốc..

Kết luận

UCP 600 đã đơn giản hoá quy định về xác định chứng từ gốc trong giao dịch LC. Điều này sẽ giúp cộng đồng những người thực hành LC và các quan toà – “những người ngoại đạo” - có thể dễ dàng hiểu và đi đến một cách hiểu thông nhất thế nào là chứng từ gốc và thế nào là chứng từ bản sao. Việc UCP 600 đơn giản hoá quy định về chứng từ gốc trong giao dịch LC chắc chắn cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn và ít rủi ro hơn cho việc lập và kiểm tra chứng từ./.

ST
 


Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,084
Tổng số thành viên
351,456
Thành viên mới nhất
Tranduyyy
Back
Bên trên