HOT TUỔI TRẺ VỀ QUÊ LẬP NGHIỆP HAY Ở LẠI THÀNH PHỐ?

Cuộc sống là 1 chuỗi những lựa chọn, và kèm theo đó là 1 chuỗi những mâu thuẫn. Ăn cái này hay cái kia, yêu người này hay người kia, làm việc này hay việc kia, ở chỗ này hay chỗ kia,… Chúng ta thường nhìn thấy cỏ đồng kia xanh hơn - hay cách nói quen thuộc là đứng núi này trông núi nọ. Làm ở chỗ A nhưng nghĩ chỗ B tốt hơn, yêu người C nhưng nghĩ người D tuyệt hơn. Đi học thì muốn nhanh ra trường để đi làm, sớm thoát cái cảnh bài vở, điểm danh, thi cử. Đi làm lại thấy thời đi học mới là thời vô tư, thoải mái nhất, không phải lo nghĩ nhiều về tiền, tình & hàng ngàn nỗi lo không tên khác. Nhưng nếu chỉ vì nhìn thấy cỏ đồng kia xanh hơn rồi cố chạy sang cánh đồng đó trong khi nó lại đang héo úa dần từng ngày. Hoặc cỏ đồng đó xanh hơn do phun hóa chất. Vậy thì, sang đó, đâu chắc chắn bạn sẽ hạnh phúc, hoặc ít nhất là được như ở cánh đồng hiện tại.

Thật ra, đó là những điều hết sức bình thường. Bởi con người là sinh vật phức tạp nhất. Cả thèm chóng chán, hôm nay thích cơm, mai thích phở, ngày kia lại thích buffet. Tâm trạng thì như thời tiết, sáng nắng chiều mưa, buổi trưa man mác, nhiều khi âm ấm, có lúc hâm hâm, đôi khi lặng thầm, ngồi cười toe toét :|.

Quay trở lại việc chọn nơi để sống, chọn việc để làm. Đó luôn là vấn đề muôn thuở không của riêng ai.

Lúc trẻ, còn hăng hái, nhiệt huyết, cái tôi còn lớn, bố mẹ muốn về quê làm cho gần nhà, dễ sống, có thể gắt lên: bố mẹ kệ con, con lớn rồi, con muốn quyết định tương lai của mình, con sẽ tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Con muốn phấn đấu, muốn thử sức cho đáng với tuổi trẻ.

Quan điểm này chính đáng đấy chứ, tuổi trẻ là phải xông pha, vùng vẫy, khẳng định mình.
Nhưng sau vài năm hành nghề và bị nghề hành, ra ngoài thì xã hội hành, bầm dập, tím tái. Trưởng thành hơn đấy, nhưng thấy bản thân chưa chứng minh được gì nhiều. Trong đám đông những kẻ như mình, có người thành công, nhưng thất bại, hoặc mờ nhạt thì rất nhiều.

Nhiều lúc thấy mình lạc lõng giữa thành phố phồn hoa này ("là vì tôi cô đơn giữa đường phố thân thuộc" - "Khi người lớn cô đơn" - Phạm Hồng Phước). Mới ra trường, thấy thành phố nhộn nhịp và năng động. Sau vài năm, thay vào đó là sự ồn ào, ngột ngạt. Có những ngày chỉ thở thôi cũng thấy mệt (mà chúng ta hay gọi là mọi ngày ).

Rồi thì:
"Có những ngày chỉ muốn trở về quê
Nằm nghe gió rít qua hàng song cửa
Nói với mẹ: Con không đi làm nữa
Mẹ nuôi con đọc sách hết đời, nghe?"

Thành phố tuy đông đúc, bạn bè người quen cũng khá nhiều nhưng khoảng cách tuy gần mà lại xa nhau. Có thể cả năm chỉ gặp được 1 2 lần. Ngày nào cũng lặp đi lặp lại 1 công việc: đến chỗ làm, hết giờ, đi về. Đi làm về chỉ muốn lăn ra ngủ, không có thời gian cho bản thân, gia đình. Công việc cứ cuốn mình đi.
Lúc đó, lại trăn trở về định hướng. Ở lại và tiếp tục gồng mình, chiến đấu, hay về quê cho dễ sống?

Thật ra, lựa chọn là ở mỗi người. Trong bối cảnh người người vẫn ùn ùn đổ về hay ở lại thành phố, hãy cùng thử phân tích những yếu tố hấp dẫn khi ứng tuyển về quê, xét ở góc độ ngân hàng, để đối chiếu và có quyết định tốt nhất cho chính bản thân mình.

1. Cạnh tranh nhẹ nhàng

Tham gia các đợt tuyển của ngân hàng, tại các tỉnh thành phố lớn, việc 1 CN có tỷ lệ 1 chọi 20-30 là bình thường. Cá biệt, có những CN có tỷ lệ 1 chọi 60-80.

Trong khi đó, nếu ứng tuyển về tỉnh, tỷ lệ chọi rất nhẹ nhàng, thường ở mức 1 chọi 3-5. Có những trường hợp số lượng ứng viên bằng số lượng chỉ tiêu, thậm chí ít hơn.

Các ngân hàng hiện nay cũng rất khuyến khích ứng viên ứng tuyển về tỉnh, vì ở tỉnh còn nhiều dư địa để mở rộng mạng lưới, cạnh tranh thị phần, và cũng bởi ở tỉnh thường khó tuyển hơn.

Như vậy, có thể thấy ứng tuyển về tỉnh cơ hội trúng tuyển rộng mở hơn nhiều.

2. Ở tỉnh, ngân hàng vẫn được coi là một ngành có giá

Ở tỉnh, ngân hàng, bên cạnh các cơ quan nhà nước và 1 số ngành nghề khác, vẫn được coi là một ngành có giá. Sau khi trải nghiệm đủ nhiều, có thể bạn sẽ thấy NH cũng chỉ là 1 nghề như nhiều nghề khác, và tất cả đều có cái giá của nó, nhưng với quan điểm của nhiều người, NH vẫn có vị thế nhất định. Cái vị thế, đặc thù ngành ít nhất giúp bạn có thêm những mối quan hệ, trưởng thành nhanh chóng và bản lĩnh hơn.

3. Nhiều chi nhánh làm ăn tốt, ít rủi ro

CN ở thành phố lớn tiềm ẩn rủi ro do nhiều KH lớn, nợ xấu nhiều. CN tỉnh đa phần quy mô dư nợ không quá lớn, có nhiều tiềm năng tăng trưởng về thị phần, khách hàng mới & kết quả kinh doanh. Với lợi thế về thương hiệu, quy mô, việc chạy chỉ tiêu không quá khó. Trong khi ở TP lớn, cạnh tranh gay gắt, không còn nhiều dư địa tăng trưởng, KH cũng bão hòa.

4. Cuộc sống dễ chịu

Cuộc sống ở tỉnh dễ chịu hơn. Không khí trong lành, ít ô nhiễm, yên tĩnh, đường xá rộng, giá cả phải chăng. Đi lại, di chuyển thuận tiện, tiết kiệm năng lượng, tinh thần thoải mái, tính tình cũng vì thế mà dễ chịu hơn. Bạn bè cũng nhiều cơ hội gặp gỡ, giao lưu và thân thiết, bởi ngoài công việc, cuối tuần về thăm nhà, yêu đương (nếu có) thì có lẽ lũ bạn cùng về tỉnh như mình là cái lũ mình thường nghĩ đến những lúc rảnh nhất.

5. Vẫn nhiều điều kiện phát triển

Nhiều tỉnh thành hiện nay phát triển, thay da đổi thịt hàng ngày. Những gì thành phố lớn có, ở tỉnh cũng có. Từ TTTM, siêu thị, rạp chiếu phim, chuỗi cửa hàng café, trà sữa, ăn uống, thời trang, công viên, phòng tập gym, các lớp học,… đến cơ sở hạ tầng, đường xá, bệnh viện, trường học,… Tất nhiên không đầy đủ và đa dạng như ở TP lớn, nhưng vẫn là những gì tinh túy nhất của địa phương đó. Cũng cơ bản là đủ nhu cầu giải trí, cân bằng cuộc sống sau khi rời khỏi chỗ làm.

6. Xác suất lấy vợ/chồng gần nhà cao hơn :d

Ở 1 địa phương hầu hết là người cùng quê, xác suất gặp và kết duyên với người cùng quê cao hơn nhiều. Đành rằng chuyện tình cảm còn do duyên số nhưng nói gì thì nói, lấy người cùng quê bao giờ cũng có những thuận tiện không nhỏ.

7. Khoảng cách ngày càng thu hẹp

Với xu thế dịch chuyển, đi du lịch, trải nghiệm, khám phá của nhiều người, đặc biệt là người trẻ hiện nay, đi du lịch nước ngoài còn ngày càng đơn giản chứ không nói đến việc di chuyển từ tỉnh lên TP lớn. Hoàn toàn có thể 1 2 tháng 1 lần đến TP lớn trải nghiệm, update "văn minh".

8. Đơn giản là những đứa con lưu lạc trở về

Chúng ta hay than thở Việt Nam chảy máu chất xám. Vậy thì quê hương nuôi mình 18 năm, mình phủi mông đi và ở lại TP lớn, chẳng khác gì cái mà ta vẫn kêu ca kia. Vậy nên những đứa con lưu lạc về làm giàu cho quê hương, đó là điều rất đáng trân trọng.
9. Đặt đúng vị trí thay vì lờ nhờ, mờ nhạt
Giống như đi du học trở về, ai cũng mong muốn sẽ tìm được 1 công việc tốt, phù hợp với năng lực. Về tỉnh, bạn có thể nổi bật và có nhiều cơ hội thể hiện mình. Thay vì ở lại thành phố, nếu không nổi trội và/hoặc may mắn, viễn cảnh bạn sẽ bị đưa đẩy làm những công việc mà mình không hứng thú, tạm bợ. Để rồi rất có thể bạn sẽ chỉ là phiên bản lờ nhờ, mờ nhạt của chính mình. Trong khi lẽ ra đó là công việc dành cho hàng chục nghìn người khác phù hợp hơn, còn bạn, thứ bạn cần là làm công việc mà mình đặt ra mục tiêu lúc đầu.

10. Ở 1 nơi không hẳn là ở mãi

Thay vì du học, nam tiến, bắc tiến. Nếu điều kiện hoặc khả năng không/chưa cho phép, hoàn toàn có thể coi việc thay đổi môi trường sống là 1 sự trải nghiệm để làm mới và thử thách bản thân. Sau vài ba năm, trở lại TP lớn hoặc xác định rõ mình sẽ ở đâu, làm gì trong những năm tiếp theo cũng chưa muộn.

Chốt lại, thật khó để trả lời đâu mới là nơi lý tưởng cho người trẻ "an cư, lạc nghiệp", bởi mỗi người sẽ có một hoài bão, ước mơ và dự định khác nhau. Mỗi người có nền tảng, những ràng buộc khác nhau. Người khôn ngoan luôn biết mình muốn gì. Tỉnh táo ra quyết định chứ không chạy theo tâm lý đám đông, có định hướng rõ ràng và thực tế là việc nên làm. Người thiếu định hướng từ đầu thì mất thêm thời gian, thêm học phí. Làm ở thành phố hay làm ở tỉnh, cuối cùng cũng để trả lời cho câu hỏi: mình thực sự nên làm gì, muốn ở đâu.

Vậy nên, nếu không ràng buộc gì, muốn làm một công việc tốt tại một tổ chức lớn, hãy tham gia đợt tuyển tập trung với chủ đề "Hồi hương lập nghiệp - có VietinBank chờ" của VietinBank. Về làm giàu cho quê hương, đến 1 tỉnh mình chưa bao giờ nghĩ sẽ đến. Những trải nghiệm thú vị đấy chứ.

Bạn nào thích núi, thích biển, thích cả núi lẫn biển, thích cao nguyên, đồng bằng,... hãy đến với VietinBank. Với mạng lưới rộng khắp, VietinBank sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu khó tính nhất của các bạn. Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Phú Quốc, Cần Thơ, Cà Mau,... đủ cả ;)).

Nhanh tay các bạn nhé, VietinBank chờ nhưng chỉ chờ đến hết ngày 15/4 thôi.

Nguồn: Mr Nguyễn Quang Nghĩa - VietinBank TSC (@cocghe266)
#vietinbank2018
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,575
Số bình luận
528,080
Tổng số thành viên
351,385
Thành viên mới nhất
Lonzu3
Back
Bên trên