Tổng quan thị trường Bảo hiểm Việt nam 2012

vnquanly

Thành viên
Tổng quan thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2012
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI
Năm 2012, Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế xã hội, chính sách tái cấu trúc kinh tế vĩ mô và chính sách kìm chế lạm phát, thắt chặt đầu tư công của nhà nước. GDP tăng trưởng 5,03%, đầu tư toàn xã hội 29,5% GDP, FDI đăng ký 12,7 tỉ USD thực hiện 10,5 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu 114,6 tỉ USD, tăng 18%; nhập khẩu thấp hơn xuất khẩu 284 triệu USD do giảm nhập khẩu máy móc thiết bị nguyên vật liệu. 55.000 doanh nghiệp giải thể, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, tồn kho ứ đọng, tắc nghẽn tín dụng ngân hàng, thị trường chứng khoán ảm đạm, thị trường bất động sản đóng băng. Nhu cầu bảo hiểm giảm do tốc độ tăng trưởng tài sản, đầu tư xây dựng mới và mua sắm giảm cũng như tài sản cũ phải trừ giá trị khấu hao.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm đã cố gắng vượt qua thách thức trên, tự củng cố, tái cơ cấu để phát triển và ổn định.
Trước hết, chế độ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được tăng cường đi liền với tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm về cơ chế, chính sách, thủ tục. Bộ Tài chính ban hành Thông tư 124, Thông tư 125 hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm; Thông tư 151 sửa đổi bổ sung Thông tư 126; Thông tư 103 về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới; Thông tư 232 về chế độ hạch toán kế toán doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ; Nghị định 122/2012 quy định phí bảo hiểm mà chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã dự thảo và chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm; thành lập Quỹ hưu trí tự nguyện và hoạt động bảo hiểm hưu trí tự nguyện; hoạt động bảo hiểm ngân hàng trong hoạt động bảo hiểm nhân thọ; chế độ hạch toán kế toán trong doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Thứ hai, các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung sức lực để tái cơ cấu năng lực tài chính, thu hút nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu và hợp tác kinh doanh, xử lý dự phòng giảm giá đầu tư và khoản thu khó đòi, không cho nợ phí bảo hiểm, tái cơ cấu danh mục đầu tư có hiệu quả cao, nâng cao biên khả năng thanh toán.
Thứ ba, các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung phát triển sản phẩm mới với những sản phẩm bảo hiểm cá nhân và bảo hiểm trách nhiệm như bảo hiểm chăm sóc y tế, bảo hiểm tài sản cá nhân, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, sản phẩm công cộng,...
Thứ tư, các doanh nghiệp bảo hiểm tái cơ cấu lại mô hình tổ chức kinh doanh theo hướng tập trung về trụ sở chính, giảm phân cấp, phân quyền cho chi nhánh, công ty thành viên, phòng chống trục lợi bảo hiểm từ khâu khai thác đến bồi thường, tiết giảm chi phí.
Thứ năm, các doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng kênh phân phối qua môi giới, địa lý, ngân hàng, bưu điện, tổ chức kinh tế xã hội, bán hàng trực tuyến và qua điện thoại.
Thứ sáu, các doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng dịch vụ và địa điểm chăm sóc khách hàng, tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời, đầy đủ, giải quyết bồi thường nhanh chóng, chính xác, nâng cao uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, tạo ra năng lực cạnh tranh lành mạnh.
Giải pháp trên tạo ra sức mạnh để thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 22.757 tỉ đồng, tăng trưởng 10,33%; bảo hiểm nhân thọ đạt 18.400 tỉ đồng, tăng trưởng 14,8%; đầu tư vào nền kinh tế đạt 95.000 tỉ đồng, tăng trưởng 10% góp phần cho tốc độ tăng trưởng của ngành bảo hiểm cao nhất trong nhóm dịch vụ tài chính – ngân hàng – bảo hiểm.
II. THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM PHI NHÂN THỌ
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2012 đạt doanh thu 22.757 tỉ đồng tăng trưởng 10,33%, bồi thường đạt 8.873 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 39%. Một số nghiệp vụ giảm, tuy nhiên một số nghiệp vụ vẫn tăng trưởng cao trong đó bảo hiểm nông nghiệp tăng 1542,54%, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính tăng 101,32%, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh tăng 43,91%, bảo hiểm hàng không tăng 26,79%.
Dẫn đầu là bảo hiểm xe cơ giới đạt 6.329 tỉ đồng tăng trưởng 1,59%, bảo hiểm tài sản và thiệt hại đạt 4.810 tỉ đồng tăng trưởng 7%, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người đạt 4.011 tỉ đồng tăng trưởng 22,25%, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt 1.927 tỉ đồng tăng trưởng 6,2%.
Dẫn đầu doanh thu khai thác bảo hiểm gốc là Bảo Việt 5.384 tỉ đồng, PVI 4.658 tỉ đồng, Bảo Minh 2.294 tỉ đồng, PJICO 1.971 tỉ đồng, PTI 1.639 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu cao là Cathay 138,34%, Samsung Vina 66,80%, PTI 53,27%, ACE 48,19%.
Đã giải quyết bồi thường bảo hiểm gốc 8.873 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 39% (chưa tính dự phòng bồi thường tổn thất đã xảy ra). Tỉ lệ bồi thường cao là bảo hiểm xe cơ giới 53,44%, bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro 37,04%, bảo hiểm nông nghiệp 37,88%, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người 45,75%, bảo hiểm thân tàu và TNDS chủ tàu 46,25%. Các doanh nghiệp có tỉ lệ đã bồi thường cao là QBE 92,3%, Fubon 81,47%, Liberty 64,46%, Hùng Vương 52,88%, Bảo Minh 52,45% .
1. Bảo hiểm xe cơ giới
Bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 6.329 tỉ đồng tăng trưởng 1,59%, đã giải quyết bồi thường 3.382 tỉ đồng, tỉ lệ đã trả bồi thường 53%. Dẫn đầu doanh thu là Bảo Việt 1.596 tỉ đồng, PJICO 997 tỉ đồng, PVI 566 tỉ đồng, PTI 699 tỉ đồng, Bảo Minh 561 tỉ đồng, PVI 508 tỉ đồng. Lần đầu tiên bảo hiểm xe cơ giới có tỉ lệ tăng trưởng thấp do lượng ô tô tăng thêm 98.000 chiếc (6,5% ô tô hiện có) nhưng khấu hao bình quan 10% năm)
Bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới đạt doanh thu 1.343 tỉ đồng, giảm 6% so với năm 2011. Dẫn đầu là Bảo Việt 340 tỉ đồng, PJICO 269 tỉ đồng, Bảo Minh 189 tỉ đồng, PVI 137 tỉ đồng. Tổng số tiền đã bồi thường 527 tỉ đồng, tỉ lệ đã bồi thường 39%. Lần đầu tiên bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới có doanh thu giảm đáng kể.
Bộ Tài chính có Thông tư 151 sửa đổi bổ sung Thông tư 126 và 103 tăng mức trách nhiệm và phí bảo hiểm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong khai thác, bồi thường, hỗ trợ nhân đạo. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm đào tạo 2 lớp giám định hiện viên bảo hiểm xe cơ giới bậc 1 cho 107 cán bộ bảo hiểm. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã phát triển trung tâm phục vụ chăm sóc khách hàng 24h/ 7 ngày trong tuần. Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới đã chi hơn 25 tỉ đồng cho các hoạt động tuyên truyền, tài trợ đầu tư công trình đề phòng hạn chế tổn thất, hỗ trợ nhân đạo, xây dựng cơ sở dữ liệu, khen thưởng lực lượng công an để thúc đẩy thị trường phát triển.
Tuy nhiên, Bảo hiểm xe cơ giới còn một số tồn tại: chưa quản lý chặt chẽ ấn chỉ và ghi đủ nội dung trên GCNBH, còn cạnh tranh bằng hạ phí không tương xứng với rủi ro hoặc tăng hoa hồng đại lý bằng chính sách trợ giúp kinh phí. Hiện tượng trục lợi bảo hiểm tăng và đã xảy ra tình trạng mất cắp xe không truy tìm được cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Hiện tượng cạnh tranh trong việc trả phí cao cho ngân hàng bán bảo hiểm qua kệnh bancassurance đã xuất hiện tại một số doanh nghiệp.
2. Bảo hiểm tài sản và thiệt hại
Bảo hiểm tài sản thiệt hại đạt doanh thu 4.810 tỉ đồng tăng trưởng 7%. Các doanh nghiệp doanh thu cao là PVI 2.180 tỉ đồng, Bảo Việt 517 tỉ đồng, PTI 441 tỉ đồng, Samsung Vina 270 tỉ đồng, Bảo Minh 236 tỉ đồng, BIC 173 tỉ đồng, PJICO 131 tỉ đồng. Đã giải quyết bồi thường gốc là 1.201 tỉ đồng, tỉ lệ đã bồi thường 25%.
Nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại tính chung toàn thị trường 3 năm liền đã rơi vào tình trạng có tỉ lệ bồi thường xấp xỉ 100% (kể cả khiếu nại chưa giải quyết).
Bảo hiểm tài sản và thiệt hại bị ảnh hưởng nhiều của chính sách cắt giảm tín dụng, đầu tư công và giảm FDI, đầu tư toàn xã hội đạt 29,5% GDP (giảm 35%). Các doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh bằng hạ phí có trường hợp bằng 1/5 tổng dự toán cho công trình. Hiện tượng mở rộng điều khoản bảo hiểm sang cả lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới, tai nạn con người.. Hiệp hội đã đưa ra cảnh báo Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu hàng đầu thế giới, nhà tái bảo hiểm đưa ra giới hạn trách nhiệm cho một sự kiện thiên tai được bảo hiểm đang là vấn đề lo ngại cần phân tán rủi ro cho thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Tình trạng nợ đọng phí vẫn diễn ra nhiều. Cần chú ý tình trạng tích tụ rủi ro vùng miền nhất định ví dụ như các công trình thủy điện ở Tây Nguyên, Tây Bắc,… rủi ro thiên tai với khu vực Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ. Khâu giám định lỗi thiết kế của các công trình xây dựng và xác định mức độ thiệt hại do lỗi thiết kế gây ra cũng cần được chú ý. Tình trạng mâu thuẫn giữa khâu bảo hiểm gốc và khâu nhận tái của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra. Có trường hợp trong cùng một doanh nghiệp, bộ phận Underwriting từ chối bảo hiểm nhưng bộ phận tái lại chấp nhận và ngược lại bộ phận tái không thu xếp được tái bảo hiểm, không chấp nhận bảo hiểm lại được doanh nghiệp chấp nhận theo phương pháp đồng bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm chưa kiên quyết thực hiện và đòi hỏi môi giới thực hiện Mẫu đơn bảo hiểm Xây dựng – Lắp đặt do Hiệp hội ban hành từ đó tác động đến chủ dự án, chủ đầu tư, chủ thầu áp dụng.
3. Bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người
Bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người đạt doanh thu 4.011 tỉ đồng, tăng trưởng 22,25%. Dẫn đầu doanh thu là Bảo Việt 1.599 tỉ đồng, Bảo Minh 538 tỉ đồng, PVI 302 tỉ đồng, PTI 310 tỉ đồng, ABIC 213 tỉ đồng. Số tiền đã giải quyết bồi thường 1.835 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 46% chưa tính đến dự phòng bồi thường.. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng và thành công trong việc phát triển sản phẩm bảo hiểm mới có quyền lợi về chăm sóc y tế, thương tật, tử vong cao hơn hấp dẫn với đối tượng khách hàng có thu nhập cao. Nhiều sản phẩm bảo hiểm sức khỏe được các doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra thị trường hấp dẫn với nhu cầu xã hội. Góp phần tăng trưởng tuyệt đối trên 600 tỉ đồng. Song đi liền với tăng trưởng tốt phải có chế độ quản lý điều hành chặt chẽ đối với nghiệp vụ bảo hiểm này.
Hiện tượng trục lợi bảo hiểm đang đặt cho các doanh nghiệp bảo hiểm phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời. Do thiếu việc làm nhiều người lao động mua bảo hiểm theo mức trách nhiệm khoán bồi thường theo số ngày nằm viện không quá 60 ngày / năm đã tranh thủ làm thủ tục nhập viện tại cơ sở điều trị quen biết để hưởng lợi bảo hiểm. Nhiều người mua bảo hiểm chăm sóc y tế chế độ cao đã trục lợi bảo hiểm bằng cách cho mượn thẻ khám chữa bệnh, thân quen y bác sĩ để có được hóa đơn điều trị thuốc men (kể cả thuốc bổ, thực phẩm chức năng, chăm sóc sắc đẹp) để đòi tiền bảo hiểm. Một số doanh nghiệp bồi thường theo mức khoán dù bệnh nặng hay nhẹ vẫn chỉ tính theo số ngày nằm viện. Một số doanh nghiệp bồi thường theo chi phí thực tế nhưng lại chấp nhận chứng từ photo nên dễ để xảy ra hiện tượng bảo hiểm trùng. Tình trạng cấp thẻ bảo hiểm không ghi rõ tên, không kèm ảnh nên dễ xảy ra hiện tượng dùng thẻ của nhau.
Các doanh nghiệp chưa tiếp cận bán bảo hiểm cho các khu vui chơi giải trí, du lịch nước ngoài, cần phải tiếp cận các công ty tổ chức những sự kiện này. Hiện tượng một số cán bộ y tế trong bệnh viện liên kết người bệnh kê khai đơn thuốc, những chi phí quá cao, không hợp lý để trục lợi bảo hiểm.
4. Bảo hiểm thân tàu và TNDS chủ tàu
Bảo hiểm thân tàu và TNDS chủ tàu đạt doanh thu 1.795 tỉ đồng, giảm 3,67%. Số tiền đã bồi thường 830 tỉ đồng, chiếm 46% (chưa kể dự phòng bồi thường).
Các doanh nghiệp bảo hiểm đã hợp tác đàm phán với Hội chủ tàu P&I quốc tế bảo vệ quyền lợi cho chủ tàu Việt Nam và có được phí đóng góp cho Hội hợp lý.
11 năm liên tiếp nghiệp vụ bảo hiểm tàu thủy có số tiền phải bồi thường lớn hơn doanh thu phí bảo hiểm, 4 năm liên tiếp các tổn thất lớn xảy ra vào tháng 11 và 12 được coi là mưa thuận gió hòa do biến đổi khí hậu. Hiện tượng nợ phí của chủ tàu tăng là gánh nặng cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Vẫn có các doanh nghiệp bảo hiểm sẵn sàng đón nhận những chủ tàu còn nợ phí của doanh nghiệp bảo hiểm khác, có lịch sử tổn thất nhiều thậm chí còn hạ phí hoặc tiếp tục cho nợ phí để giành giật khách hàng. Những khuyến cáo về việc mượn bằng cấp chuyên môn của thuyền bộ, không đủ trang thiết bị, biên chế thuyền bộ, mất an ninh an toàn hàng hải chưa được các doanh nghiệp quan tâm phòng ngừa. Nhiều chủ tàu nhỏ, thuê lái tàu không có nhiều kinh nghiệm. Các DNBH cần kiểm tra bằng lái, định biên, đội ngũ thuyền viên trên tàu có đáp ứng đủ khả năng đi biển, có tên người lái trên 50 tuổi, bằng lái thường bị cho mượn. Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp tiếp tục không cho nợ đọng phí, kể cả cấp P&I theo chuyến cũng không làm, thực hiện nghiêm chỉnh Thông tư 125 của Bộ Tài chính. Tình hình tài chính của nhiều chủ tàu chưa được cải thiện nên việc trả lương, chi phí duy trì tàu đủ cấp hạng đã đăng kiểm đang gặp khó khăn, tạo nguy cơ gia tăng rủi ro cao, tổn thất. Tàu chở hàng khô chuyển sang chở cát (dự án Singapore) đã gặp nhiều rủi ro, cần thận trọng khi chấp nhận bảo hiểm. Tàu chạy ở vùng biển Trung Quốc có rủi ro lớn nếu phải thực hiện các lệnh của nhà chức trách Trung Quốc khi tàu bị tổn thất hoặc xét xử theo Luật Trung Quốc. Các doanh nghiệp chưa quản lý được bảo hiểm trùng, hiện tượng bảo hiểm trùng đã xuất hiện và có thể gia tăng; Cần đưa ra chế tài cho tổn thất do sơ suất lỗi lầm thuyền viên để ngăn chặn trục lợi bảo hiểm. Khuyến cáo các doanh nghiệp khi khai thác bảo hiểm Tàu không nên phân cấp khai thác bồi thường cho chi nhánh khi năng lực chi nhánh chưa đủ khả năng đánh giá rủi ro.
5. Bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro
Bảo hiểm cháy nổ đạt doanh thu 2.185 tỉ đồng, tăng 23,28% so với cùng kỳ năm trước. Số tiền đã giải quyết bồi thường 809 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 37%. Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt doanh thu 594 tỉ đồng. Bồi thường toàn thị trường 83 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 14%.
Những khuyến cáo về cơ sở ngành hàng có nguy cơ cháy nổ cao đi liền với bảo hiểm gián đoạn kinh doanh mà Hiệp hội đưa ra chưa được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện. Nhiều đối tượng bảo hiểm thuộc diện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nhưng không được cấp giấy chứng nhận an toàn PCCC đã chuyển sang mua bảo hiểm tự nguyện để hưởng phí bảo hiểm thấp hơn. Nhiều khách hàng chỉ bảo hiểm cho công trình xây dựng, không mua bảo hiểm cho giá trị nội thất hoặc hàng hóa vật tư chứa đựng bên trong. Nguy cơ cháy nổ ngày càng cao đối với một số cơ sở sản xuất kinh doanh do thiếu mặt bằng, chứa đựng cả nguyên vật liệu thành phẩm, bán thành phẩm ngay tại xưởng sản xuất. Kết quả giám định của cơ quan PCCC là cháy do chập điện chưa điều tra đến cùng tại sao lại chập điện có lỗi của chủ cơ sở hay không nên gây khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm khi giải quyết bồi thường. Tranh chấp về không đóng phí bảo hiểm chỉ khi xảy ra cháy mới chuyển tiền đóng phí qua ngân hàng làm phát sinh nhiều vụ kiện tụng chi trả tiền bảo hiểm. Một số ngành hàng có tổn thất cháy nổ cao như gỗ, dệt may, giày dép, nhựa, hóa chất, công trình xây dựng đang ở giai đoạn hoàn thiện chưa lắp đặt thiết bị PCCC. Bảo hiểm cháy nổ cho chung cư có rủi ro cao ít có doanh nghiệp bảo hiểm vào cuộc, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh cho resort cũng là tiềm năng tổn thất lớn ngay cả những rủi ro thiên tai thông thường.
Tình hình bồi thường trong mức giữ lại của các doanh nghiệp ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần đánh giá trách nhiệm bồi thường trong mức giữ lại với phí bảo hiểm giữ lại để chấn chỉnh lại quy tắc điều khoản hoặc khâu tái bảo hiểm. Vinare đã đưa ra mức khống chế mức khấu trừ đối với nhóm rủi ro Cat 3 và Cat 4 để làm lành mạnh hóa thị trường, đề nghị các doanh nghiệp thực hiện. Vẫn tồn tại việc doanh nghiệp môi giới can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm như sửa đổi điểu khoản, điều kiện mang tính chắp vá, các công ty môi giới làm lộ thông tin dự thầu, mang thông tin của doanh nghiệp này cung cấp cho doanh nghiệp khác, tư vấn cho khách hàng thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm bắt buộc mua bảo hiểm tự nguyện để phí thấp hơn. Tình trạng nợ đọng phí bảo hiểm vẫn tồn tại. Các doanh nghiệp bảo hiểm cần thực hiện nghiêm chỉnh Thông tư 125 không cho nợ phí bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm chưa nhận được sự phối hợp ủng hộ tích cực của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy trong việc đôn đốc bắt buộc cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao phải mua bảo hiểm cũng như trong giám định, xác định tổn thất.
6. Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển
Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt doanh thu 1.927 tỉ đồng, tăng trưởng 6,2%.. Tỉ lệ đã bồi thường chiếm 27% tương đương 516 tỉ đồng.
Hiệp hội tái tục hợp đồng với tổ chức Lloyd’MIU phục vụ 7 doanh nghiệp tham gia để kiểm tra thông tin cũng như lịch sử tàu để quản lý rủi ro và tư vấn cho khách hàng. Hiện tượng mất hàng trong các container còn nguyên kẹp chì do trộm cắp tinh vi mất cả thanh phôi thép nặng gần 2 tấn, tổn thất đối với hàng xá, hàng bao vượt mức khấu trừ đã được khuyến cáo. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm còn chưa thu phí tàu già, chưa giám định hầm tàu khi chuẩn bị xếp hàng. Vẫn tồn tại rủi ro bảo lãnh bằng ngân hàng và xét xử theo nơi bảo lãnh trong bắt giữ tàu. Cạnh tranh phi kỹ thuật trong bảo hiểm hàng hóa lại tiếp tục tái diễn đặc biệt là hàng xá. Đã có trường hợp trên tàu trở hàng xá của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cùng giám định, doanh nghiệp bảo hiểm có khấu trừ cao không phải bồi thường còn doanh nghiệp bảo hiểm có khấu trừ thấp lại phải bồi thường và không bắt giữ được tàu. Không nên mở rộng bảo hiểm hàng hóa bị mất cắp, thiếu hụt không rõ nguyên nhân trong container vì đây là trách nhiệm của hợp đồng mua bán và đã có hiện tượng trục lợi bảo hiểm xảy ra. Đã xảy ra tình trạng khách hàng kêu mất sắt thép nhưng khi đối chiếu biên bản bàn giao giữa cảng và chủ hàng thì không mất; hoặc khách hàng khiếu nại vì thép cuộn nặng bị cong (do phải cẩu lên xuống trong quá trình vận chuyển); Loại sắt thép hình dễ bị cong, vênh trước khi xếp hàng nên có biên bản giám định đầu hàng đi và thỏa thuận trước. Bảo hiểm hàng chất lỏng xăng dầu đưa lên bồn tổn thất lớn do có những đường ống xây dựng quá cũ, xa nơi chứa hàng dẫn đến thất thoát đang bị khiếu nại nhiều. Hàng vận chuyển qua đường hàng không bị mất cắp nhiều ở khâu ngoại quan. Cần áp dụng các điều điện, điều khoản của ICC 2009 đáp ứng nhu cầu khách hàng nhưng thận trọng vì nhiều nội dung bất lợi về phí bảo hiểm. Hiện tượng trục lợi bảo hiểm dẫn đến tổn thất xảy ra với một số khách hàng, đội tàu, cảng biển. Doanh nghiệp bảo hiểm cần chia sẻ thông tin này.
7. Các sản phẩm bảo hiểm khác
Bảo hiểm hàng không đạt doanh thu 769 tỉ đồng, tăng 26,79%, đã bồi thường 62 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 8%,
Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh đạt doanh thu 95 tỉ đồng, tăng 43,91%, đã bồi thường 8 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 9%,
Bảo hiểm trách nhiệm chung đạt doanh thu 512 tỉ đồng, tăng 12,83%, đã bồi thường 116 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 23%.

III. THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ
1. Số lượng hợp đồng bảo hiểm:
Số lượng hợp đồng khai thác mới trong năm 2012 đạt 1.004.875 hợp đồng (sản phẩm chính), tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó Prudential khai thác được 340.671 hợp đồng, Bảo Việt Nhân thọ là 190.767 hợp đồng, Prevoir là 125.017 hợp đồng.
Cơ cấu số lượng hợp đồng khai thác mới sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong năm 2012 như sau: hỗn hợp chiếm 39,3%; tử kỳ chiếm 35,4% đầu tư chiếm 24,9%; sản phẩm trọn đời và sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ chiếm 0,4%.
Số lượng hợp đồng khôi phục hiệu lực (sản phẩm chính) trong năm là 89.145 hợp đồng tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp có số lượng hợp đồng khôi phục cao là Prudential: 73.196 hợp đồng, Manulife 7.039 hợp đồng và Dai-ichi là 3.391 hợp đồng. Nhóm sản phẩm khôi phục nhiều nhất là: Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (45.373 hợp đồng) và sản phẩm bảo hiểm tử kỳ (37.051 hợp đồng).
Số lượng hợp đồng hết hiệu lực trong kỳ là 807.703 hợp đồng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp có số hợp đồng hết hiệu lực nhiều trên thị trường là Prudential với 320.583 hợp đồng, Bảo Việt Nhân thọ là 210.924 hợp đồng, Manulife là 61.706 hợp đồng. Nhóm sản phẩm hết hiệu lực nhiều nhất cũng là sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm 500.045 hợp đồng và sản phẩm tử kỳ 220.908 hợp đồng.
Tổng số lượng hợp đồng có hiệu lực cuối kỳ là 4.764.108 hợp đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp có số lượng hợp đồng có hiệu lực lớn là Prudential 2.016.855, Bảo Việt Nhân thọ là 1.275.369 hợp đồng, Manulife là 390.571 hợp đồng.
2. Số tiền bảo hiểm:
Tổng mức trách nhiệm mà các DNBH Nhân thọ đang nắm giữ là 580 nghìn tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó mức trách nhiệm của các sản phẩm chính đạt 423 nghìn tỉ đồng tăng 23,3%, mức trách nhiệm của các sản phẩm phụ đạt 157 nghìn tỉ đồng tăng 29%.
Các doanh nghiệp có tổng mức trách nhiệm cao trên thị trường bảo hiểm là: Prudential 158 ngàn tỉ, Dai-ichi Life 99 ngàn tỉ đồng và Bảo Việt Nhân thọ là 88 ngàn tỉ.
Đáng chú ý là tổng mức trách nhiệm của sản phẩm đầu tư hiện nay đã vượt qua tổng mức trách nhiệm của sản phẩm hỗn hợp xấp xỉ 77.000 tỉ đồng. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi hoạt động khai thác mới về các sản phẩm bảo hiểm đầu tư (chủ yếu là sản phẩm liên kết chung) tăng mạnh.
3. Phí bảo hiểm:
Phí bảo hiểm định kỳ năm đầu trong năm 2012 đạt 5.276 tỉ đồng tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, phí bảo hiểm đóng một lần là 78 tỉ đồng tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Tổng phí khai thác mới trong năm đạt 5.354 tỉ đồng tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu về phí bảo hiểm khai thác mới là Prudential với 1.384 tỉ đồng, Bảo Việt Nhân thọ 1.291 tỉ đồng và Manulife 706 tỉ đồng. Nhóm phí bảo hiểm khai thác mới về sản phẩm dẫn đầu lần lượt là sản phẩm hỗn hợp chiếm 52%, tiếp đến là sản phẩm đầu tư chiếm 36,7% và sản phẩm phụ 7,7%.
Tổng phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 18.390 tỉ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp có thị phần lớn trên thị trường là: Prudential với 6.522 tỉ đồng chiếm 35,5% thị phần, Bảo Việt Nhân thọ với 5.199 tỉ đồng chiếm 28,3% thị phần, Manulife với 2.158 tỉ, chiếm 11,7% thị phần.
Nhóm sản phẩm có tỉ trọng phí cao vẫn là sản phẩm hỗn hợp chiếm 66,5% (12.236 tỉ đồng), sản phẩm đầu tư là 24,2% (4.499 tỉ đồng), sản phẩm phụ chiếm 6,2 % (1.144 tỉ đồng).
Với đà gia tăng cả về số lượng hợp đồng khai thác mới và phí khai thác mới, nhóm sản phẩm đầu tư đang dần trở thành một sản phẩm quan trọng đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.
4. Trả tiền bảo hiểm:
Tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi cho các khách hàng trong năm 2012 đạt 8.541 tỉ đồng. Các doanh nghiệp bảo hiểm có số tiền chi trả cao cho khách hàng gồm Bảo Việt là 3.315 tỉ đồng, Prudential với 3.099 tỉ đồng, Manulife với 1.007 tỉ đồng.
Tổng số trả tiền bảo hiểm gốc là 5.698 tỉ đồng, trong đó, Bảo Việt Nhân thọ chi trả 2.764 tỉ đồng, Prudential 1.716 tỉ đồng và Manulife 465 tỉ đồng.
Tổng số giá trị hoàn lại là 1.921 tỉ đồng, Prudential là doanh nghiệp có giá trị hoàn lại cao nhất thị trường với 755 tỉ đồng, Bảo Việt Nhân thọ là 551 tỉ đồng tiếp theo là Manulife 294 tỉ đồng.
5. Số lượng đại lý bảo hiểm.
Tính đến cuối năm 2012, tổng số lượng đại lý có mặt trên thị trường đạt 225.963 người tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp có số lượng đại lý cao nhất là Prudential 122.694 người, Bảo Việt Nhân thọ 27.762 người và AIA 18.242 người.
Số lượng đại lý mới tuyển dụng trong năm 2012 là: 141.973 người tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, các doanh nghiệp bảo hiểm có số lượng đại lý mới tuyển dụng nhiều nhất thị trường theo thứ tự là: Prudential (49.366 người), AIA (18.950 người) và Bảo Việt Nhân thọ (16.607 người).

IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Năm 2012 là năm thứ hai liên tiếp thị trường bảo hiểm có chiều hướng tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng kinh tế toàn cầu đối với nền kinh tế xã hội Việt Nam. Song mức tăng trưởng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt 10,33% và nhân thọ 14,8%, cao gấp 2 lần tăng trưởng GDP và dẫn đầu trong tốp dịch vụ tài chính – tín dụng là một cố gắng lớn của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chứng tỏ ngành bảo hiểm đã thành công trong việc vượt qua khó khăn thách thức, tiếp tục phát triển gắn liền với hiệu quả. Năm 2012 cũng là năm các doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành củng cố, tái cơ cấu mạnh mẽ nhất, tạo đà cho việc tăng trưởng hiệu quả những năm tiếp theo.
Bước sang năm 2013, các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục thực hiện chiến lược tái cơ cấu, vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản pháp luật mới ban hành trong kinh doanh bảo hiểm; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm hình thành phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam (1993 – 2013); phấn đấu đạt tăng trưởng bảo hiểm phi nhân thọ 11%, nhân thọ 15% và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (sau thí điểm), bảo hiểm điện hạt nhân, bảo hiểm tàu điện ngầm và tàu điện trên cao, bảo hiểm hưu trí và bảo hiểm nhóm cho người lao động.
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,574
Số bình luận
528,077
Tổng số thành viên
351,221
Thành viên mới nhất
menusrs8
Back
Bên trên