Thông qua phương án xử lý 9 ngân hàng ngay tháng 6

ipad2

Verified Banker
Ý tưởng đầu tiên về tái cấu trúc ngân hàng được Thống đốc Bình chia sẻ với các đại biểu Quốc hội từ kỳ họp cuối năm ngoái. Khi đó, ông cho biết có 8 ngân hàng quy mô nhỏ và hoạt động chưa lành mạnh, buộc phải tái cơ cấu, chiếm 5% toàn hệ thống. Ít thời gian sau phiên họp này, Thống đốc cũng công khai lộ trình tái cơ cấu, với mục tiêu hoàn tất những bước xử lý đầu tiên với 8 ngân hàng này ngay trong quý I/2012.
Trên thực tế, ngoài 3 ngân hàng đã hợp nhất cuối năm ngoái, và một số đơn vị tự nguyện xin hợp nhất, sáp nhập với nhau, Ngân hàng Nhà nước chưa công bố xử lý thêm trường hợp nào.
Trao đổi tại hội trường chiều nay, ông Bình cho biết các ngân hàng cần tái cấu trúc được phân thành 2 nhóm, nhóm cần xử lý trong ngắn hạn và trong trung - dài hạn. Nhóm cần xử lý trong ngắn hạn cũng được phân thành 2, một là phải tái cấu trúc do tài chính yếu kém và hai là các ngân hàng muốn tự nguyện hợp nhất, sáp nhập để nâng cao năng lực tài chính và quy mô hoạt động.
Với nhóm yếu kém cần xử lý ngay, Thống đốc Bình cho biết có 9 ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất thanh tra toàn diện cả 9 ngân hàng, mời kiểm toán độc lập vào cuộc, tạo tiền đề cho những bước xử lý tiếp theo.
"Phương án xử lý 9 ngân hàng đã có. Tuần qua, thường trực Chính phủ đã thông qua phương án xử lý 2 trong số này. Ngân hàng Nhà nước đang xúc tiến các công việc nhằm đảm bảo cả 9 đề án sẽ được thông qua trong tháng 6", người đứng đầu ngành ngân hàng cam kết.
Ngân hàng Nhà nước khuyến khích 9 ngân hàng này tự xây dựng phương án cho riêng mình, chừng nào họ không thể tự xử lý thì Ngân hàng Nhà nước mới vào cuộc và đưa ra giải pháp. Ông Bình cho biết, thực tế cả 9 ngân hàng đều đã có phương án cho mình, một là mời nhà đầu tư mới hoặc hai là tìm đối tác trong hệ thống để kịp thời hợp nhất, sáp nhập.

3 nguồn lực được ngành ngân hàng kỳ vọng, đó là kêu gọi mọi thành phần kinh tế trong nước tham gia, mời gọi nhà đầu tư nước ngoài và cuối cùng mới là can thiệp của Nhà nước.
"Thời gian qua có nhiều đơn vị trong nước sẵn sàng tham gia tái cấu trúc hệ thống tín dụng. Họ chấp nhận tổn thất trước mắt và có kế hoạch vực dậy tổ chức tín dụng để thu lợi nhuận trong tương lai", Thống đốc Bình cho biết.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước để tham gia vào quá trình sắp xếp lại hệ thống ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương ưu tiên nội lực, khi nào các đối tác nội không thể tham gia mới mời gọi nước ngoài.
Với phương án Nhà nước can thiệp, Thống đốc Bình cho biết có thể có 2 cách làm, một là Ngân hàng Nhà nước mua cổ phần để tham gia khôi phục các ngân hàng yếu kém sau đó giao, bán để thu hồi vốn; hai là lập công ty mua bán nợ.
"Vốn nhà nước nếu tham gia cũng chỉ mang tính đòn bẩy, xử lý trong ngắn hạn. Còn trong trung dài hạn cần phải phát huy các nguồn lực khác", ông nói thêm.
Hướng về nông nghiệp nông thôn là một nội dung quan trọng trong lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, theo Thống đốc. Vì vậy, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) được đưa ra khỏi danh sách buộc phải cổ phần hóa, mà chỉ tái cơ cấu để trở thành trụ cột về tài chính cho nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra quy định dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank không được thấp hơn 80% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của ngân hàng này. Tỷ lệ bắt buộc với các ngân hàng thương mại vốn nhà nước khác là 20%, nếu không có khả năng cho vay nông nghiệp nông thôn, các ngân hàng phải chuyển số vốn tương ứng sang để nhờ Agribank thực hiện giúp.
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,088
Tổng số thành viên
351,533
Thành viên mới nhất
dongthunggo
Back
Bên trên