Quốc hội 'giục' Chính phủ lập đề án tái cơ cấu kinh tế

mai.qth2710

Moderator

Đề án tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trọng tâm đầu tư, thị trường tài chính và doanh nghiệp cần được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp đầu năm tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết.


Ông Giàu trao đổi với báo chí sáng 08/11 ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, với tỷ lệ ủng hộ gần 90%.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trao đổi với báo chí tại hành lang Quốc hội sáng 8/11. Ảnh: V.A.

- Trong 9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế xã hội Quốc hội đề ra trong Nghị quyết này, theo ông giải pháp nào quan trọng nhất?

- Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Quốc hội giao Chính phủ chuẩn bị đề án, từ đây cho tới kỳ họp thứ ba phải trình lên Quốc hội thông qua. 3 lĩnh vực quan trọng cần tái cơ cấu đó là đầu tư, với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công; thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp (trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước).

Nói chung là cả 9 nhóm giải pháp nêu trong nghị quyết đều quan trọng, đòi hỏi Chính phủ và các bộ ngành phải cụ thể hóa và có kế hoạch quyết tâm triển khai. Đương nhiên các cơ quan Quốc hội cũng phải tham gia giám sát và đôn đốc.

- Đặt ra nhiệm vụ tái cơ cấu với điều kiện thực tế của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, theo ông liệu có quá sức và có phải là rào cản tăng trưởng thời gian tới?

- Quốc hội đã thông qua 20 chỉ tiêu cho 5 năm tới, trong đó 10 chỉ tiêu kinh tế, 8 chỉ tiêu xã hội và 2 chỉ tiêu về môi trường. Trong đó một số chỉ tiêu được bổ sung để đảm bảo chất lượng tăng trưởng như năng suất lao động xã hội, tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, giảm tiêu hao năng lượng trên GDP... Tất cả các chỉ tiêu này đều được cân nhắc rất kỹ. Và ngoài 20 chỉ tiêu Quốc hội giao, các chỉ tiêu do Chính phủ trình thì Chính phủ tiếp tục điều hành và giao cho các bộ ngành triển khai.

Nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế được đề ra theo tinh thần kết luận của Hội nghị Trung ương 3. Bây giờ cần xây dựng đề cương, đề án tổng thể, rồi lên kế hoạch triển khai. Nhưng theo quan điểm của Ủy ban Kinh tế, tái cơ cấu không có nghĩa là phải thay đổi, đảo lộn tiến trình chúng ta triển khai từ trước tới nay, mà cần có bước kết nối nhẹ nhàng để đạt được mục tiêu chung.

- So với đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng được xem là lĩnh vực khó khăn nhất bởi đụng chạm tới lợi ích nhóm. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Chúng ta không nên vội vàng kết luận điều gì khi nội dung, kế hoạch triển khai cụ thể chưa trình với cơ quan thẩm quyền.

- Liệu công bố chủ trương tái cơ cấu một lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng một cách rộng rãi thời gian qua có quá vội vàng không khi hành lang pháp lý cũng như các công cụ hỗ trợ chưa được hoàn thiện?

- Thực ra tái cơ cấu ngân hàng là vấn đề mang tính định hướng, đưa ra để báo cáo ban chấp hành trung ương. Còn việc triển khai như thế nào, theo tôi cần có đề án rất bài bản, có mục tiêu, nội dung, giải pháp, tổ chức thực hiện.

Về phần mình, Quốc hội đã nêu rõ tái cơ cấu ngân hàng phải đảm nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính an toàn hệ thống.

- Nhưng theo ông, thông điệp tái cơ cấu nên được đưa ra như thế nào để tránh tạo tâm lý hoang mang cho dân chúng, khi mà họ đang không an tâm về hiệu quả hoạt động của các ngân hàng?

- Thông điệp đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ vừa rồi rất rõ ràng, Chính phủ không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng.

9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế xã hội 2011-2015

1. Tập trung khắc phục nhanh, hiệu quả những hạn chế, yếu kém do các nguyên nhân chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành.

2. Có đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, với tầm nhìn dài hạn và có lộ trình cụ thể.

3. Tiếp tục kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị sức mua đồng tiền.

4. Tập trung thực hiện 3 đột phá, 12 định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020.

5. Áp dụng đồng bộ các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giảm chênh lệch giàu nghèo; tập trung giải quyết những bức xúc trong nhân dân.

6. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm đến nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa nghệ thuật; nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là bậc đại học;

7. Hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả các chính sách, pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm phát triển bền vững.

8. Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tập trung xây dựng, thực hiện các đề án cải cách tư pháp bảo đảm chất lượng, tiến độ; làm tốt công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ.

9. Quan tâm củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại vững mạnh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Song Linh

VNEXPRESS
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,088
Tổng số thành viên
351,496
Thành viên mới nhất
betat
Back
Bên trên