Phân tích Diễn biến thị trường tiền tệ tháng 10 và nhận định xu hướng tới.

hungviet

Founder
1. Thị trường thế giới
Tính đến tháng 10/2011, các diễn biến chủ đạo cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đã gần như chững lại tại hầu hết các quốc gia phát triển như Mỹ, các nước thành viên EU, Nhật bản,…Đối với các nước đang phát triển, các nước mới nổi (Trung Quốc, một số nước Đông Nam Á, Châu Phi, Trung Đông), tốc độ tăng trưởng vẫn được đảm bảo nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức vừa phải. Đặc biệt, khủng hoảng nợ công tại các nước thành viên EU (đặc biệt là Hy Lạp) và Mỹ đang trở nên nghiêm trọng hơn, gây ra những mâu thuẫn xã hội và bất ổn chính trị.
Sau đây là diễn biến nổi bật của 2 nền kinh tế chủ chốt:

Kinh tế Mỹ
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức cao 9,1% không có gì thay đổi so với các tháng trước đó. Nhưng số liệu mới nhất vừa được công bố trong tuần đầu tháng cho thấy có sự phục hồi trong tháng 10 này: Chỉ số sản xuất ISM tăng từ 50.6 trong tháng 8 lên 51.6 vào tháng 9, về thay đổi việc làm phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng từ 57k trong tháng 8 lên 103k trong tháng 9. GDP tăng từ 1.0% trong quý II lên 1.3% vào quý III. Thêm vào đó, các gói kích thích kinh tế mà FED và chính phủ của Tổng thống Obama đề ra nhằm kích thích kinh tế cũng bước đầu mang lại hiệu quả.
Những tín hiệu khởi sắc mới đây từ nền kinh tế Mỹ cho thấy nền kinh tế số một thế giới này vẫn chưa thực sự rơi vào suy thoái như lo ngại. Tuy nhiên, đây chỉ là những điểm sáng le lói rất nhỏ trong bức tranh ảm đảm toàn cảnh kinh tế thế giới.

Kinh tế khu vực Châu Âu
Kinh tế Liên minh Châu Âu (EU) trong tháng 10 và quý III/2011 tiếp tục ngập chìm trong vòng xoáy của cơn bão nợ công, bất chấp nhiều biện pháp và các gói cứu trợ được đưa ra. Với những diễn biến phức tạp hiện nay của cuộc khủng hoảng nợ tại Châu Âu, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định cuộc khủng hoảng đang dần đạt đỉnh và EU đang phải đối mặt với nguy cơ đổ vỡ bởi sự vỡ nợ của một số thành viên yếu kém mà mắt xích đầu tiên rất có thể là Hy Lạp. Hiệu ứng Domino đã lan rộng đến “vùng lõi” Italia, Tây Ban Nha và Pháp, hiện nay Italia đang phải đối mặt với khoản nợ 1.800 tỷ euro, nhiều hơn cả Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha cộng lại. Chính vì vậy, thời gian qua Italia luôn bị các hãng xếp hạng tín nhiệm đánh tụt bậc xếp hạng. Như vậy, Italia trở thành quốc gia thứ 6 trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hạ bậc trong năm nay.

Thị trường vàng
Giá vàng thế giới thời gian qua diễn biến khó lường. Nhiều chuyên gia cho rằng: “Vàng không còn là thiên đường trú ẩn an toàn, không còn là vịnh tránh bão”. Vì thực tế cho thấy giá vàng lập đỉnh 1920,80USD/ounce vào ngày 6/9, sau đó đã lao dốc về 1532.64USD/ounce vào ngày 26/9 chỉ trong vòng 20 ngày giá vàng đã giảm 20,2%. Điều này cho thấy không có gì là không thể xảy ra đối với giá vàng, đồng thời khẳng định vai trò vàng là tài sản bảo đảm an toàn trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp tục có những diến biến phức tạp.
Nhưng khi nhìn lại lịch sử đây cũng là quy luật của giá vàng. Trong vòng 30 năm qua, giá vàng đã 11 lần lập kỷ lục tăng và đi kèm với nó là những bước trượt giảm tương ứng. Lịch sử thường lập lại, vàng có đỉnh thì đáy ngay sau đó cũng hình thành.
Nguyên nhân chính giá vàng giảm mạnh thời gian qua là do sự chốt lời của các quỹ đầu cơ. Tính riêng quỹ SPDR Gold từ ngày 26/9 đến ngày 15/10 quỹ này đã bán ra 6 lần với khối lượng 24,7 tấn, và chỉ có duy nhất 1 lần mua vào với khối lượng 0,3 tấn vào ngày 3/10.

2. Thị trường Việt Nam
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

http://www.vietinbank.vn/web/export/sites/default/vn/research/11/images/TTTTe102011_ChisoGia.jpg

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 17,05% so với tháng 12/2010. Bình quân 10 tháng tăng 18,50% so với bình quân cùng kỳ năm 2010.
Chỉ số đô la Mỹ tăng 0,39% so với tháng trước, tăng 1,52% so với tháng 12/2010. Bình quân 10 tháng tăng 9,46%.
Chỉ số giá vàng tháng 10 giảm 4,22% so với tháng trước; tăng 24,97% so với tháng 12/2010. Bình quân 10 tháng tăng 41,30%, đã cho thấy độ nóng của thị trường vàng với mức giá tăng chóng mặt từ đầu năm đến nay.

Thị trường tiền tệ, ngoại hối
-Lãi suất

* Cho vay: Đã hết tháng 10, mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất chung cho vay VND về mức 17%-19%/năm chưa thành hiện thực một cách rộng rãi. Dấu hiệu hạ lãi suất đã rõ, nhưng số vốn mà các Ngân hàng thương mại (NHTM) dành cho vay lãi suất thấp so với tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng là rất ít. Nguyên nhân chính là do các NHTM chưa “tiêu hóa” được hết nguồn vốn huy động với lãi suất cao trước thời điểm chỉ thị 02/CT-NHNN.
* Huy động: Tại cuộc họp với 12 NHTM, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định hầu hết các NHTM đều thực hiện nghiêm túc quy định của về trần lãi suất huy động bằng VND và ngoại tệ. Trên thực tế thời gian qua nhiều ngân hàng đã tìm cách lách trần lãi suất bằng việc đưa các khoản tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn vào một khung lãi suất chung 14%. NHNN quyết tâm chấn chỉnh những biểu hiện bất thường này tại Thông tư 30/2011/TT-NHNN ngày 28/9, quy định lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 6%/năm.

http://www.vietinbank.vn/web/export/sites/default/vn/research/11/images/TTTTe102011_PhiChinhthuc.jpg

Những diễn biến lãi suất thời gian qua cho thấy: lãi suất thực âm chỉ có lợi cho các doanh nghiệp (DN) lớn đã có khả năng vay được vốn và càng làm cho các DN vừa và nhỏ khó tiếp cận đến tín dụng hơn – Trái ngược lại với kết quả mong đợi từ việc đặt trần lãi suất huy động. Ngoài ra lãi suất thực âm còn làm cho nguồn lực phân bổ kém hiệu quả, dòng tiền dịch chuyển khó kiểm soát hơn, kiểm soát lạm phát trở lên phức tạp hơn và thị trường tài chính chậm phát triển hơn. Chính vì thế thời gian qua nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB và ngay cả ADB cũng tỏ ra chưa mấy đồng tình trước việc NHNN chủ trương kéo giảm mặt bằng lãi suất. Vì những người gửi tiền cũng đòi hỏi lãi suất cần phải thực dương để bảo vệ tài sản của họ trước lạm phát.

-Tỷ giá
Kể từ đầu tháng 10 tới nay tỷ giá USD/VND có dấu hiệu tăng mạnh, các NHTM vẫn luôn duy trì trạng thái mua - bán USD kịch trần trong biên độ cho phép. Ở thị trường phi chính thức có thời điểm tỷ giá USD/VNĐ tăng lên 21.670 đồng đổi 1 USD vào ngày 25/10 (nhưng trên thực tế tỷ giá này đã lên đến 21.800 đồng). Tỷ giá thị trường tự do tăng nhanh buộc NHNN cũng phải liên tục nâng tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong thời gian qua cho phù hợp với tình hình thực tế của thị trường và cũng để kiểm soát tốt hơn cán cân thương mại.
Nguyên nhân chính làm tỷ giá tăng: Thứ nhất, NHNN cấp phép cho một số ngân hàng nhập khẩu vàng. Thứ hai, thâm hụt cán cân thương mại cao. Thứ ba, các DN bắt đầu mua ngoại tệ trả trước các khoản vay, do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa luôn gia tăng vào những tháng cuối năm.

3. Nhận định diễn biến thị trường trong thời gian tới
3.1. Tình hình thế giới

http://www.vietinbank.vn/web/export/sites/default/vn/research/11/images/TTTTe102011_CapEU.jpg
Khủng hoảng kinh tế thế giới xuất phát từ lõi là “khu vực công” sau đó lan rộng ra “khu vực tư” là những diễn biến sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.

- Nhận định diễn biến cặp tiền EUR/USD

Cặp EUR/USD giá mở cửa đầu tháng 10 là 1,3343, đóng cửa 1,3859. Tính đến ngày 31/10 giá cao nhất được ghi nhận là 1,4247, giá thấp nhất là 1,3145 biên độ dao động là 1.102 pips. Về mặt kỹ thuật ở biểu đồ dài hạn (MN) cho thấy xu hướng tiếp tục giảm, biểu đồ trung hạn và ngắn hạn xu hướng vẫn đang trong kênh tăng, nhưng chỉ báo stochastic đã có dấu hiệu vượt quá mua. Nhận định diễn biến tháng tiếp theo, cặp tỷ giá này tiếp tục phá vỡ đỉnh cũ về 1,4250 trước khi giảm sâu trở lại về các ngưỡng hỗ trợ 1,3045.

- Vàng
Giá vàng thế giới mở cửa phiên đầu tháng 10 là 1.619,95USD/ounce, cao nhất là 1.752,35USD/ouce, mức thấp nhất là 1.595,65USD/ounce. Trong tháng giá chạy trong biên độ hẹp là 156.75USD/ounce (so với khoảng thời gian từ 21/9-26/9 biên độ dao động là 283.86 USD/ounce). Nhận định diễn biến giá vàng quốc tế trong tháng tới: Về mặt kỹ thuật, giá vàng quốc tế hiện nay đã phá vỡ ngưỡng quan trọng 1.700USD/ounce, xu hướng trong tháng tới giá vàng tiếp tục tăng về ngưỡng cản 1.900USD/ounce.

-Chỉ số đô la Mỹ (USD- Index)

http://www.vietinbank.vn/web/export/sites/default/vn/research/11/images/TTTTe102011_ChisoDola.jpg
Chỉ số đô la Mỹ là trung bình trọng lượng của những đồng ngoại tệ trong một “rổ” tiền tệ gồm các đồng tiền: EUR, JPY, GBP, CAD,SEK, CHF. Kết thúc tháng 10 chỉ số USD-index đang giao dịch là 76. Về kỹ thuật, chỉ số này tiếp tục đà tăng về vùng cản mạnh 80.

3.2. Tình hình trong nước
Vấn đề lạm phát – lãi suất – tỷ giá đã trở thành những chủ đề nóng được bàn luận nhiều trong thời gian qua là nguyên nhân gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Lạm phát đã cho thấy giảm tốc; lãi suất đã giảm (bằng những chính sách mạnh tay của NHNN như Thông tư số 30/2011/TT-NHNN); nhưng vấn đề đặt ra: Đây mới chỉ là giải pháp tình thế trong ngắn hạn còn trong dài hạn thì sao? Giống như vấn đề tỷ giá đã ổn định được trong một thời gian dài khi nhà nước mạnh tay can thiệp. Nhưng cho đến thời điểm tháng 10, tỷ giá trao đổi ở thị trường tự do luôn duy trì 21.500 đồng đổi 1USD, và áp lực tiếp tục tăng tỷ giá từ nay đến cuối năm.

- Vấn đề lạm phát: Người ta đang bàn luận nhiều nguyên nhân gây ra lạm phát, nào là lạm phát do tiền tệ, do cơ cấu, tâm lý, do nhập siêu, do hệ thống phân phối, do quốc tế, do mất cân đối cung cầu,… nhưng theo một số chuyên gia phải kiểm soát được những nguyên nhân cơ bản gây ra lạm phát: Vấn đề mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư ngày càng gia tăng và kéo dài. Đáng lưu ý là tình trạng mất cân đối giữa tiết kiệm - đầu tư, không phải do nền kinh tế Việt Nam tiết kiệm yếu kém, mà do Việt Nam đầu tư quá nhiều để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song hiệu quả đầu tư không cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế không tương xứng với nguồn lực đã bỏ ra và kết quả tất yếu là dẫn đến lạm phát.

- Vấn đề lãi suất: Thông tư số 30/2011/TT-NHNN ra ngày 28/9/2011 với mục đích kéo lãi suất cho vay xuống, giảm chi phí vay vốn nên khu vực DN. Như vậy, một mặt NHNN muốn kiềm chế lạm phát, mặt khác lại muốn chính sách tiền tệ (lãi suất) hỗ trợ cho DN. Đây là vấn đề nan giải, bởi muốn giảm lạm phát phải đánh đổi tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn. Về nguyên lý, để kiềm chế lạm phát thì cần lãi suất thực dương nhằm hút tiền ngoài lưu thông vào hệ thống ngân hàng. Với lãi suất thực dương thì mới giảm cầu tín dụng từ các DN, giảm tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng và giảm tổng cầu của nền kinh tế. Với lãi suất thực âm như hiện nay sẽ có một dòng vốn ra khỏi hệ thống ngân hàng để tìm đích đầu tư khác, do đó hệ thống ngân hàng sẽ có thể khan hiếm vốn và vì thế lãi suất cho vay sẽ tăng. Lãi suất chỉ thực sự giảm khi chúng ta kiểm soát tốt lạm phát.

Tài liệu tham khảo

1. Theo AP, Reuters
2. Một số vấn đề nổi bật của kinh tế thế giới và Việt Nam tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2011- Viện Khoa học xã hội Việt Nam
3. Tổng hợp thông tin từ các báo, trang thông tin điện tử của Chính phủ, NHNN…

Phòng Kinh doanh tiền tệ - VietinBank
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,088
Tổng số thành viên
351,496
Thành viên mới nhất
betat
Back
Bên trên