Làm sao để đọc báo cáo chỉ trong 1 phút? (P2)

Hãy quên đi những cuốn sách khô cứng về kế toán, những quyển sách dày cộp về tài chính doanh nghiệp.

6272014-125244-PM.png
Hiểu biết báo cáo tài chính doanh nghiệp là công cụ cực kỳ cần thiết để điều hành doanh nghiệp. Warren Buffer đã từng nói “ Việc gì bạn không hiểu rõ thì đừng làm”.

Việc hiểu và phân tích báo cáo tài chính không chỉ giúp bạn quản lý công ty dễ dàng mà còn quản lý tài chính cá nhân chính xác và đặc biệt giúp bạn trở thành nhà đầu tư giỏi trong việc lựa chọn cổ phiếu của các công ty thực sự tốt.

Giống như một trận đấu bóng đá, bạn cần phải biết tỷ số trận đấu, thống kê về số lượng kiểm soát bóng, số lượng cú sút trúng khung thành để đưa ra các phương án điều chỉnh chiến thuật và thay người. Hiểu ngôn ngữ tài chính doanh nghiệp là điều kiện cần để bạn có thể đưa doanh nghiệp tiến xa hơn và chắc chắn hơn.

2. Bảng cân đối kế toán

Bảng cân đối kế toán cho bạn biết doanh nghiệp mình đang khỏe hay yếu. Nó cho bạn biết về mối quan hệ giữa số tài sản công ty hiện có với số tiền nợ công ty hiện tại.
Mức chênh lệch giữa số tài sản và nợ công ty là vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu là các nguồn vốn đóng ghóp của các nhà đầu tư vào công ty.

Vốn chủ sở hữu = Tài sản – Nợ

Bảng cân đối kế toán có vai trò hết sức quan trọng đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào, không những phản ánh vừa khái quát vừa chi tiết tình trạng tài sản và vốn của doanh nghiệp mà còn là minh chứng thuyết phục cho một dự án vay vốn khi doanh nghiệp trình lên ngân hàng, và đồng thời cũng là căn cứ đáng tin cậy để các đối tác xem xét khi muốn hợp tác với doanh nghiệp.

Trong Bảng cân đối kế toán, chúng ta cần tập trung vào 4 loại tài khoản sau:

Khoản phải thu:
Khoản phải thu là số tiền khách hàng nợ doanh nghiệp do mua chịu hàng hóa hoặc dịch vụ. Nếu công ty bạn bán sản phẩm hoặc dịch vụ mà không thu tiền ngay lập tức thì bạn sẽ có các “ khoản phải thu” hay còn gọi là “ Công nợ”. Đây là vấn đề rất đau đầu với nhiều chủ doanh nghiệp và bạn phải đảm bảo là theo dõi thường xuyên các khoản phải thu này.

Có thể nói hầu hết các công ty đều phát sinh các khoản phải thu nhưng với mức độ khác nhau, từ mức không đáng kể cho đến mức không thể kiểm soát nổi. Kiểm soát khoản phải thu liên quan đến việc đánh đổi giữa lợi nhuận và rủi ro. Nếu không bán chịu hàng hóa thì sẽ mất đi cơ hội bán hàng, do đó mất đi lợi nhuận. Nếu bán chịu hàng hóa quá nhiều thì chi phí cho khoản phải thu tăng, có nguy cơ phát sinh các khoản nợ khó đòi, do đó rủi ro không thu hồi được nợ cũng gia tăng. Vì vậy, doanh nghiệp cần có chính sách bán chịu phù hợp.

Khoản phải thu của doanh nghiệp phát sinh nhiều hay ít phụ thuộc vào các yếu tố như tình hình nền kinh tế, giá cả sản phẩm, chất lượng sản phẩm, và chính sách bán chịu của doanh nghiệp. Trong các yếu tố này, chính sách bán chịu ảnh hưởng mạnh nhất đến khoản phải thu. Bạn có thể thay đổi mức độ bán chịu để kiểm soát khoản phải thu sao cho phù hợp với sự đánh đổi giữa lợi nhuận và rủi ro. Hạ thấp tiêu chuẩn bán chịu có thể kích thích được nhu cầu dẫn tới gia tăng doanh thu và lợi nhuận, nhưng vì bán chịu sẽ làm phát sinh khoản phải thu, và do bao giờ cũng có chi phí đi kèm theo khoản phải thu nên cần xem xét cẩn thận sự đánh đổi.

Hàng tồn kho:
Hàng tồn kho bao gồm nguyên vật liệu, bán thành phẩm ( sản phẩm chưa hoàn thành) và thành phẩm chưa được bán. Ví dụ: Quần áo , Gạch ngói, Tivi, Tủ lạnh đã sản xuất hoàn thiện nhưng chưa bán….Những sản phẩm cất trong kho để bán giống như tiền để trên giá sách vậy cho nên phải được theo dõi thật sát sao, nhất là với các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ.

Cần phải duy trì hồ sơ của tất cả các mặt hàng tồn kho để phòng ngừa mất cắp và để lẫn hàng hóa. Giữ số lượng hàng tồn kho cất giữ ở mức tối thiểu đồng thời theo dõi các xu hướng kinh doanh. Ngày mua, số lượng, giá mua, ngày bán và giá bán là tất cả các thông tin liên quan cần có trong hồ sơ hàng tồn kho

Khoản phải trả:
Tài khoản phải trả theo dõi số tiền doanh nghiệp nợ các nhà cung cấp hoặc các hóa đơn điện, nước, thuế chưa trả…

Ví dụ: Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh nhưng trong điều khoản sau 30 – 90 ngày mới phải thanh toán thì đây là khoản phải trả. Chú ý, Bạn chỉ cần đảm bảo thanh toán trước 90 ngày không cần phải trả sớm kể cả khi có tiền sẵn trong két để duy trì lượng tiền mặt trong tay. Trong giai đoạn công ty mới thành lập điều này đặc biệt quan trọng, nên nếu có thể bạn cần phải thương lượng với các nhà cung cấp để gia hạn thời gian thanh toán các khoản nợ cho mình càng dài càng tốt.

Nợ dài hạn:
Nợ dài hạn để theo dõi các khoản nợ thuê tài chính hoặc các khoản nợ khác có thời hạn trả nợ trên 1 năm. Ví dụ: Nợ ngân hàng là món nợ dài hạn công ty mà bạn nên quan tâm. Nợ ngân hàng không hẳn là một điều xấu. Nó sẽ giúp bạn mở rộng hoạt động kinh doanh nhanh chóng. Tuy nhiên nó cũng ẩn chứa rủi ro khi các khoản nợ vượt quá khả năng thanh toán của bạn. Để đảm bảo tỷ lệ vay nợ ngân hàng hợp lý, số tiền lãi trả ngân hàng hàng tháng không vượt quá 20% chi phí cố định và tổng nợ ngân hàng < 3 lần lợi nhuận ròng hàng năm công ty.

3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ:
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ ghi lại dòng tiền chảy vào và chảy ra của doanh nghiệp. Nó cho biết công ty thật sự kiếm được bao nhiêu tiền và dùng hết bao nhiêu tiền trong một khoảng thời gian nhất định.

Trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận được ghi lại ngay khi bán hàng mặc dù chưa nhận được tiền, thuế thu nhập và khấu hao được ghi lại dưới dạng chi phí dù không phải trả tiền ngay lập tức. Nên để biết chính xác số tiền thực sự nhận được của doanh nghiệp, bạn cần đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Dù công ty kiếm được lợi nhuận tốt nhưng nếu số tiền khách hàng nợ nhiều hay công ty phải bỏ ra khoản tiền lớn để bảo trì máy móc, thiết bị thì vẫn thật sự nguy hiểm. Có tiền là mới là vua. Nếu không đủ tiền, công ty không thể trang trải chi phí hàng tháng và buộc phải phá sản.

Ví dụ:
Bảng Báo Cáo Lưu Chuyển Tiền Tệ - Công Ty TNHH ANZ

LƯU CHUYỂN TIỀN TỪ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH (tính theo triệu đồng)
Lợi nhuận ròng sau thuế: 890
Khấu hao tài sản cố định: + 320
Thay đổi trong Tài sản và Nợ
Khoản phải thu: - 20
Hàng tồn kho: + 60
Khoản phải trả: +100
Tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh: +80
Lưu Chuyển Tiền Từ Hoạt Động Kinh Doanh: 1.430
Trong ví dụ trên, mặc dù thu nhập ròng sau thuế chỉ có 890 triệu đồng nhưng công ty lại có tới 1 tỷ 430 triệu đồng tiền mặt. Khoản tiền này được gọi là Tiền thu từ hoạt động kinh doanh. Chúng ta thấy số tiền doanh nghiệp thực sự nhận được cao hơn so với lợi nhuận kiếm được? Điều này là do những khoản như khấu hao tài sản cố định được tính là chi phí trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh nhưng công ty không thật sự phải chi tiền. Do vậy báo cáo lưu chuyển tiền tệ là công cụ quan trọng để biết số tiền mặt thực sự của doanh nghiệp.


Nguyễn Đương
Founder / Cố vấn tài chính cấp cao AAL
kyanh
Theo Trí thức trẻ
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,574
Số bình luận
528,077
Tổng số thành viên
351,232
Thành viên mới nhất
xo88s
Back
Bên trên