Kiến thức căn bản về kinh doanh ngoại tệ

virgo lavender

Verified Banker
Ngoại tệ đang là chủ đề nóng của giới ngân hàng hiện nay. Để những bạn có nhu cầu tìm hiểu về cách thức kinh doanh ngoại hối tôi xin tóm tắt một quy trình về kinh doanh ngoại tệ mà các ngân hàng đang áp dụng hiện nay.

Trong thời gian gần đây thị trường tài chính tiền tệ luôn dậy sóng với những biến đổi thất thường của lãi suất liên ngân hàng, của tỷ giá đồng USD, ngay cả các ngân hàng cũng không lường hết được những thay đổi ấy. Để hiểu rõ cách thức kinh doanh ngoại tệ của các ngân hàng ra sao, theo tôi, cũng là vấn đề cần quan tâm của các bạn Saganors nói chung và các bạn đang làm trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Bằng những kinh nghiệm thực tế cũng như những tài liệu tham khảo của các ngân hàng tôi xin trình bày một quy trình cụ thể về kinh doanh ngoại tệ mà các ngân hàng trong nước hiện nay đang tiến hành.



NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1) Một số thuật ngữ liên quan khi giao dịch trên thị trường hối đoái
Ngân hàng là Ngân hàng được phép kinh doanh ngoại tệ. Trong bài này thì ngân hàng được hiểu như là ngân hàng đứng ra kinh doanh ngoại tệ với các tổ chức khác.
Chi nhánh là phòng giao dịch, Chi nhánh cấp 1, 2 trực thuộc Ngân hàng
Đối tác là các tổ chức tín dụng, tố chức tài chính, công ty ở nước ngoài có ký hợp đồng giao dịch ngoại hối với Ngân hàng hoặc có thỏa thuận bằng văn bản về hạn mức giao dịch ngoại hối với ngân hàng.
Khách hàng là các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, tổ chức khác và cá nhân ở trong nước có nhu cầu mua bán ngoại tệ với Ngân hàng.
Giao dịch hối đoái giao ngay (spot) là giao dịch mua, bán một số lượng ngoại tệ giữa hai bên theo tỉ giá giao ngay tại thời điểm giao dịch và kết thúc thanh toán chậm nhất trong vòng 2 ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày cam kết mua bán.
Giao dịch hối đoái kỳ hạn (forward) là giao dịch trong đó hai bên cam kết sẽ mua, bán với nhau một số lượng ngoại tệ theo một mức tỉ giá xác định, và việc thanh toán sẽ được thực hiện trong tương lai xác định.
Giao dịch hối đoái hoán đổi (swap) là giao dịch bao gồm đồng thời cả hai giao dịch: giao dịch mua và giao dịch bán dùng một số lượng đồng tiền này với một đồng tiền khác (chỉ có hai đồng tiền được sử dụng trong giao dịch), trong đó kỳ hạn thanh toán của hai giao dịch khác nhau và tỉ giá của hai giao dịch được xác định tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Giao dịch quyền chọn (option) là giao dịch ngoại tệ trong đó bên mua có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải thực hiện giao dịch đã cam kết với bên bán, trong khi đó bên bán có nghĩa vụ phải thực hiện giao dịch đã cam kết khi bên mua có yêu cầu theo tỉ giá đã thỏa thuận trước.

clip_image001.gif


Phí quyền chọn (premium)
là mức phí mà bên mua quyền chọn phải trả cho bên bán quyền chọn khi mua quyền chọn
Dealer là Giao dịch viên thuộc bộ phận nguồn vốn.
Trạng thái mở (chưa cân bằng-open position) của ngoại tệ là trạng thái phát sinh trong giao dịch mua (hoặc bán) ngoại tệ nhưng chưa bán (hoặc mua) lại với số lượng tương ứng. Trạng thái phát sinh do mua gọi là dư thừa, còn phát sinh do bán gọi là dư thiếu.
Trạng thái ngoại tệ chung của toàn ngân hàng là trạng thái ngoại tệ mở tối đa của toàn ngân hàng tại một thời điểm. Trạng thái này do Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.
Mức dừng lỗ (stop loss) là chênh lệch giá bất lợi tối đa giữa giá của trạng thái mở và tỉ giá thị trường tại một thời điểm. Trong trường hợp Dealer đang có một trạng thái mở với giá bất lợi so với giá hiện tại thì phải chuẩn bị một mức dừng lỗ hợp lý để hạn chế lỗ nhiều một khi giá biến động mạnh.
Hạn mức giao dịch với đối tác và khách hàng là hạn mức giao dịch mà Ngân hàng thỏa thuận được với đối tác và khách hàng. Bộ phận nguồn vốn và Chi nhánh chỉ được phép giao dịch với các đối tác và khách hàng trong hạn mức giao dịch này. Danh sách hạn mức giao dịch với đối tác và khách hàng sẽ phải được xem xét, cập nhật định kỳ hàng năm hoặc khi cần thiết (ngoại trừ các Giao dịch quyền chọn, trong đó đối tác hoặc khách hàng là người mua quyền chọn và các giao dịch ngoại tệ mà đối tác/ khách hàng có đặt cọc cho Ngân hàng).
Tỉ giá hối đoái là giá của một đồng tiền quốc gia này so với đồng tiền của một quốc gia khác. Tỉ giá hối đoái bao gồm tỉ giá giao ngay, tỉ giá kỳ hạn và tỉ giá thực hiện trong quyền chọn.


  • T ỉ giá giao ngay (áp dụng đối với giao dịch hối đoái giao ngay) là tỉ giá do Ngân hàng niêm yết tại thời điểm giao dịch hoặc do thỏa thuận giữa Ngân hàng và khách hàng hoặc đối tác nhưng phải đảm bảo phù hợp với thị trường tại thời điểm giao dịch và quy định về tỉ giá giao ngay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm giao dịch.
  • Tỉ giá kỳ hạn (áp dụng đối với giao dịch hối đoái kỳ hạn) là tỉ giá do Ngân hàng và khách hàng hoặc đối tác tự tính toán và thỏa thuận với nhau nhưng phải đảm bảo phù hợp với thị trường tại thời điểm giao dịch và quy định về tỉ giá kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm giao dịch.
  • Tỉ giá thực hiện (áp dụng đối với giao dịch quyền chọn) là tỉ giá do người mua quyền chọn yêu cầu người bán quyền chọn thực hiện.

2) Các hoạt động giao dịch hối đoái và phạm vi giao dịch

Hoạt động giao dịch hối đoái của Ngân hàng bao gồm:


  • Mua và bán ngoại tệ với đối tác / khách hàng nhằm thỏa mãn nhu cầu muốn mua và bán của đối tác/ khách hàng;
  • Mua và bán ngoại tệ với đối tác nhằm điều chỉnh trạng thái ngoại hối của đồng tiền đó của Ngân hàng để giảm thiểu rủi ro.
  • Mua và bán ngoại tệ giữa hội sở với Chi nhánh, phòng giao dịch nhằm thỏa mãn nhu cầu muồn mua và bán của Chi nhánh, phòng giao dịch.
Phạm vi giao dịch : Bộ phận nguồn vốn được thực hiện toàn bộ các họat động giao dịch hối đoái. Chi nhánh, phòng giao dịch chỉ thực hiện họat động giao dịch hối đoái trong hạn mức trạng thái ngoại tệ của đơn vị mình và trong quy trình kinh doanh ngoại tệ tại Chi nhánh, phòng giao dịch.
Các loại hình giao dịch: Các loại hình giao dịch hối đoái được phép tiến hành bao gồm
- Giao dịch hối đoái giao ngay
- Giao dịch hối đoái kỳ hạn
- Giao dịch hối đoái hoán đổi
Đồng tiền giao dịch : Các giao dịch hối đoái được phép tiến hành giữa ngoại tệ với đồng Việt Nam hoặc giữa các loại ngoại tệ với nhau. Các loại ngoại tệ được phép giao dịch là các ngoại tệ được niêm yết trên Bảng tỉ giá công bố hàng ngày của Ngân hàng. Việc công bố loại ngoại tệ nào trên Bảng công bố tỉ giá hàng ngày do quy đinh của từng ngân hàng.
Đặt cọc : Để đảm bảo cho các giao dịch giao ngay, hoán đổi và kỳ hạn, Ngân hàng có thể yêu cầu đối tác hoặc khách hàng đặt cọc cho Ngân hàng hoặc Ngân hàng có thể đặt cọc cho đối tác/ khách hàng. Quyền yêu cầu đặt cọc và thỏa thuận mức đặt cọc do quy đinh của từng ngân hàng. Số tiền đặt cọc và khoản lãi từ tiền cọc (nếu có) sẽ được hoàn trả lại cho đối tác hoặc khách hàng, hoặc Ngân hàng được nhận lại từ phía đối tác hoặc khách hàng khi các bên trong giao dịch đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình.


CÁC KỸ THUẬT GIAO DỊCH CỤ THỂ
1) Nguyên tắc niêm yết tỉ giá và phí quyền chọn.


  • Bộ phận nguồn vốn là nơi lập Bảng niêm yết tỉ giá giao dịch hàng ngày áp dụng thống nhất cho toàn Ngân hàng. Tỷ giá niêm yết này được tính toán bằng các kỹ thuật sao cho vừa phù hợp với cung cầu thị trường vừa nằm trong biên độ giao động cho phép của ngân hàng nhà nước.
  • Bảng niêm yết tỉ giá đầu ngày phải được lập và cập nhật vào hệ thống chương trình quản lý của Ngân hàng trên máy tính chậm nhất là đầu giờ làm việc của ngày làm việc. Tỷ giá cũng ngay lập tức phải chuyển đi các chi nhánh và phải nhập tỉ giá vào bảng điện tử của hội sở để các khách hàng có thể tham chiếu được ngay.
  • Trong ngày làm việc, nếu có phát sinh biến động lớn về tỉ giá của một loại ngoại tệ niêm yết nào đó thì phải lập bảng niêm yết tỉ giá giao dịch mới và thực hiện công bố tỉ giá tương tự như việc công bố tỉ giá đầu ngày làm việc.
  • Chi nhánh khi nhận được Bảng niêm yết tỉ giá giao dịch phải cập nhật ngay vào Bảng niêm yết tỉ giá giao tại quầy giao dịch trực tiếp với khách hàng và thông báo ngay cho các bộ phận có liên quan thuộc đơn vị mình.
  • Đối với giao dịch hối đoái giao ngay, kỳ hạn và hoán đổi, có thể thực hiện giao dịch theo tỉ giá niêm yết hoặc tỉ giá thương lượng giữa Ngân hàng với khách hàng hoặc đối tác nhưng phải đảm bảo tỉ giá giao dịch phù hợp với tỉ giá của thị trường tại thời điểm giao dịch và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về giao dịch về giao ngay, kỳ hạn và hoán đổi.
  • Mức phí quyền chọn được thực hiện theo thỏa thuận giữa Ngân hàng và khách hàng
    hoặc đối tác khi thực hiện quyền chọn. Bộ phận nguồn vốn căn cứ vào mức phí quyền chọn trong giao dịch với đối tác trên thị trường quốc tế tại thời điểm giao dịch để quyết định phí quyền chọn cho khách hàng/ đối tác.


2) Thực hiện giao dịch với đối tác hoặc khách hàng :


Việc thực hiện giao dịch với đối tác /khách hàng do Dealer thực hiện. Các phương tiện được thực hiện trong giao dịch là: điện thoại, fax. Cần lưu ý rằng tất cả các giao dịch qua điện thoại được coi là hợp lệ khi giao dịch được thực hiện thông qua của Ngân hàng
3) Tạo dữ liệu giao dịch:

Sau khi hoàn tất việc thực hiện giao dịch với đối tác/khách hàng. Dealer phải nhập nội dung của giao dịch vào hệ thống quản lý giao dịch (trading system) và in ra “Phiếu giao dịch” ngay lập tức để chuyển sang cho Bộ phận kiểm soát rủi ro.
4) Kiểm soát giao dịch:

Ngay sau khi nhận được giao dịch từ hệ thống quản lý giao dịch hoặc “Phiếu giao dịch cho Dealer chuyển sang, Bộ phận kiểm soát rủi ro phải thực hiện các bước sau:


  • Kiểm tra tỷ giá giao dịch có phải là tỷ giá công bố hoặc tỷ giá giao dịch của thị trường hay không;
  • Kiểm tra hạn mức của đối tác hoặc khách hàng;
  • Kiểm tra tiền cọc (nếu có);
  • Kiểm tra hạn mức giao dịch của Dealer.
Trong trường hợp giao dịch không đảm bảo một trong các yêu cầu trên thì nhân viên kiểm soát rủi ro được quyền không duyệt, và phải tiến hành lập ngay biên bản vi phạm giao dịch, đồng thời báo cáo kịp thời cho cấp quản lý trực tiếp của bộ phận kiểm soát rủi ro để xử lý. Khi giao dịch đảm bảo các điều kiện nêu trên thì nhân viên kiểm soát rủi ro tiến hành duyệt giao dịch trên hệ thống giao dịch hoặc ký tên trên “phiếu giao dịch” và chuyển sang cho bộ phận hỗ trợ giao dịch (back office)
5) Xác nhận giao dịch:

Việc thực hiện xác nhận do nhân viên hỗ trợ giao dịch thực hiện:


  • Đối với giao dịch hối đoái giao ngay (spot) chỉ cần xác nhận lại với đối tác hoặc khách hàng bằng fax, văn bản hoặc điện xác nhận (swift);
  • Đối với giao dịch hối đoái kỳ hạn (forward), hoán đổi và quyền chọn thì ngân hàng và đối tác hoặc khách hàng phải ký kết hợp đồng chi tiết bằng văn bản hoặc điện xác nhận.
Đối với các giao dịch được xác nhận bằng hợp đồng: ngân hàng và đối tác/khách hàng phải ký hợp đồng ngay khi thực hiện giao dịch và hợp đồng phải được gửi đi trong ngày giao dịch (căn cứ vào dấu của bưu điện). Với các giao dịch được xác nhận bằng fax: hợp đồng phải gửi đi ngay sau khi Dealer tạo dữ liệu giao dịch hoặc sau khi nhận được hợp đồng do đối tác/khách hàng gửi đến. Tất cả giao dịch trong ngày phải được xác nhận hoàn tất trong ngày. Còn đối với các giao dịch được xác nhận bằng điện xác nhận: Xác nhận giao dịch phải gửi đi trong phiên kết nối vào hệ thống swift gần nhất. Tất cả các giao dịch trong ngày phải được xác nhận hoàn tất trong ngày.

6) Thanh toán giao dịch:


Việc thực hiện thanh toán giao dịch do nhân viên hỗ trợ giao dịch thực hiện.
Giao dịch giao ngay: Việc thanh toán theo thỏa thuận cụ thể về thời điểm chuyển tiền đối với đối tác/khách hàng nhưng phải thực hiện và kết thúc chậm nhất trong vòng 2 ngày làm việc tiếp theo sau ngày cam kết mua bán;
Giao dịch kỳ hạn: Ngày thanh toán là ngày làm việc cuối cùng của kỳ hạn giao dịch và được ghi rõ trong hợp đồng đã đuợc ký kết. Ngân hàng chỉ được phép chuyển tiền khi đến hạn thanh toán;
Giao dịch hoán đổi:


  • Trường hợp giao dịch hoán đổi gồm hai giao dịch giao ngay thì việc thanh toán dựa trên ngưyên tắc đã quy định đối với giao dịch giao ngay.
  • Trường hợp giao dịch hoán đổi gồm một giao dịch giao ngay và một giao dịch kỳ hạn thì việc thanh toán dựa trên nguyên tắc đã quy định đối với giao dịch giao ngay và giao dịch kỳ hạn.
  • Trường hợp giao dịch hoán đổi gồm hai giao dịch kỳ hạn thì việc thanh toán dựa trên nguyên tắc đã quy định đối với giao dịch kỳ hạn.
7) Thanh toán bù trừ: Thanh toán bù trừ là việc chỉ thanh toán phần chênh lệch giũa các giao dịch mua và các giao dịch bán có cùng cặp tiền tệ hoặc của một lọai tiền tệ của nhiều cặp tiền tệ khác nhau, cùng ngày giá trị thanh toán giữa ngân hàng với đối tác/khách hàng. Để thực hiện thanh toán bù trừ, ngân hàng và đối tác khách hàng giao dịch phải có thỏa thuận thanh toán bù trừ bằng văn bản riêng.

8) Theo dõi thanh toán đi và thanh toán đến :
Việc theo dõi thực hiện các khoản tiền thanh toán đi và thanh toán đến do nhân viên hỗ trợ giao dịch thực hiện.


  • Theo dõi thực hiện các khoản tiền thanh toán đến: bao gồm theo dõi tất cả các khoản tiền thanh toán đến trong ngày căn cứ vào các hợp đồng giao dịch đã thực hiện với đối tác hoặc khách hàng; đối chiếu nội dung nhận tiền, số tiền thực nhận với nội dung, số tiền trên hợp đồng giao dịch.
  • Theo dõi thực hiện các khoản tiền thanh toán đi: bao gồm theo dõi tất cả các khoản tiền phải thanh toán đi trong ngày căn cứ vào các hợp đồng giao dịch đã được thực hiện với đối tác/khách hàng; đối chiếu nội dung chuyển tiền, số tiền thực chuyển trên chứng từ thanh toán đi với nội dung, số tiền trên hợp đồng giao dịch.
View attachment 121

Quy trình nghiệp vụ cơ bản của kinh doanh ngoại tệ thì chỉ có như vậy. Tùy theo mỗi ngân hàng mà chia ra các phòng ban chức năng và nhân sự khác nhau. Tuy nhiên nói gì thì nói bộ phận kinh doanh ngoạiệ phải đảm bảo ba nhóm sau:


  • N hóm giao dịch kinh doanh (front office): gồm các Dealer kinh doanh được phép giũ trạng thái ngoại tệ mở và các Dealer môi giới không được phép giũ trạng thái ngoại tệ mở;
  • Nhóm kiểm soát rủi ro (risk control): gồm các kiểm soát viên;
  • Nhóm nghiệp vụ (back office): gồm các nhân viên hỗ trợ giao dịch.
Có điều cần chú ý là các ngân hàng luôn quy định phòng làm việc của bộ phận giao dịch phải tách biệt với bộ phận kiểm soát rủi ro và bộ phận hỗ trợ giao dịch và việc sử dụng các trang thiết bị thông tin cần phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt của mỗi ngân hàng.

Quy trình này chưa đề cập đến công tác hạch toán trong kinh doanh ngoại tệ, cũng là một công việc khá phức tạp và khó trình bày. Tuy nhiên các bạn có thể tham khảo các văn bản sau để hiểu rõ cách thức hạch toán của các nghiệp vụ ngân hàng nói chung và nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ nói riêng:
Quyết định 479/2004 QĐ-NHNN của thống đốc ngân hàng nhà nước ban hành ngày 29/04/2004
Quyết định 29/2006 QĐ-NHNN của thống đốc ngân hàng nhà nước ban hành ngày 10/07/2006

 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:
CÓ thể cho em hỏi các qui định, văn bản nào của Ngân hàng nhà nước qui định về kinh doanh ngoại tệ ko ạ? đặc biệt là những khoản cấm
 
Chắc em hỏi về những văn bản, quy định trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh ngoại hối phải không :) ? Em có thể tìm đọc Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 của ủy ban thường vụ quốc hội, mà người ta hay gọi là pháp lênh 28 ấy.

CÓ thể cho em hỏi các qui định, văn bản nào của Ngân hàng nhà nước qui định về kinh doanh ngoại tệ ko ạ? đặc biệt là những khoản cấm
 
em cảm ơn virgo lavender ạ, hiện tại em đang tập hợp các công văn của NHNN liên quan đến nghiệp vụ FX và nhũng rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ đối với ngân hàng. Hiện tại em tập hợp một số vấn đề liên quan nhưng ko bít còn thíu gì hok?!? EM liệt kê dươi đây nhờ virgo lavender giúp đỡ em với

Pháp lệnh ngoại hối : (28-2005)
1/ Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối.
2/ 03/2008/TT-NHNN Căn cứ vào Chương VI của Nghị định số 160/2006/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước) hướng dẫn cụ thể điều kiện được cung cấp dịch vụ ngoại hối.
3/Công văn số 9699/NHNN-QLNH hướng dẫn hoạt động đại lý đổi ngoại tệ. Chế độ báo cáo theo 1747 và 477
4/08/2003/TT-NHNN (2003)nh chi tiết các chứng từ cần xuất trình khi thực hiện mua bán ngoại tệ giao dịch vãng lai
5/497/NHNN-QLNH3 (2006) hướng dẫn 131(sửa đổi 63) qui định chi tiết về hoạt động ngoại hối của các TCTD, qui định chi tiết về các đối tượng cần xuất trình chứng từ khi thực hiện giao dịch ngoại hối với TCTD
6/4941-NHNN (2009) chấn chỉnh hoạt động mua bán ngoại tệ.
 
Việc hạch toán kế toán các bạn xem công văn 7404/NHNN-KTTC năm 2006 về việc hướng dẫn hạch toán kế toán nghiệp vụ phái sinh tiền tệ, rất cụ thể.
 
Cảm ơn TNB, hôm qua tìm thấy thêm được cái này[FONT=&quot] : [/FONT]Quyết định 1452/2004/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc giao dịch hối đoái của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối. qui định chi tiết đối tượng, đồng tiền, phạm vi tham gia giao dịch, chứng từ..
 
bài viết rất bổ ích ạ, em cũng đang có ý định theo mảng này. Cho e hỏi 1 số thắc mắc mắc ạ:

1. Công việc này tuyển dụng có thường xuyên ko ạ?

2. E cảm nhận thấy đa số công việc này là nữ ạ, vậy là do ngân hàng ưu tiên nữ hơn hay sao ạ? nam như em thì cơ hội có không?
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,574
Số bình luận
528,077
Tổng số thành viên
351,222
Thành viên mới nhất
milfnutlife
Back
Bên trên