Không xác định được nợ xấu đừng vội bàn giải pháp

boydautu

Verified Banker
Ngoài số nợ sổ sách của các doanh nghiệp, liệu thống kê đã tính toán bao gồm các khoản đảo nợ, khoanh hay giãn nợ chưa?
Hôm nay (ngày 19/9/2012) tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học "Cơ chế xử lý nợ xấu: Kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam" do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính tổ chức.
Giải quyết nợ xấu là cứu doanh nghiệp chứ không phải ngân hàng
Các diễn giả tham gia buổi Hội thảo đều cho rằng nợ xấu là vấn đề bức bách của nền kinh tế hiện nay, cần phải giải quyết được vấn đề này càng sớm càng tốt; có như thế thì mới có thể khơi thông được dòng vốn, phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Nguyễn Thị Mùi việc xử lý nợ xấu phải đi đôi với các biện pháp ngăn ngừa nợ xấu tiếp tục phát sinh.
Nếu chỉ dừng lại ở việc xử lý nợ xấu mà không có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, giảm thiểu rủi ro hoạt động của các ngân hàng thì sau một thời gian, nợ xấu sẽ lại tích lũy và quy mô sẽ ngày càng lớn.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì nhấn mạnh, trách nhiệm xử lý nợ xấu trước hết là của các tổ chức tín dụng và nguyên tắc xử lý nợ xấu phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng phải đảm bảo hiệu quả về mặt kinh tế.
Ở góc quan điểm khác, ông Quách Mạnh Hào, Chủ nhiệm Khoa Tài chính-Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) lại cho rằng: Ngân hàng tự làm phát sinh nợ xấu là do lỗi của ngân hàng. Nếu cứu ngân hàng thì chẳng khác nào mô hình Ponzi – dùng tiền người này trả cho người khác.
Trả lời cho thắc mắc và lo lắng về ảnh hướng đến tâm lý người gửi tiền, ông Hào nhấn mạnh: Khách hàng chấp nhận gửi tiền vào ngân hàng nhỏ, rủi ro cao để nhận lãi suất cao là đã xác định rủi ro. Nếu chúng ta cứ lo cho họ thì coi như khuyến khích các hành động rủi ro.
“Chúng ta phải ‘cho phép’ các ngân hàng yếu kém tự phá sản có như thế hệ thống ngân hàng mới trở nên trong sạch và lành mạnh được” – ông Hào nói.
Nợ xấu của Việt Nam là bao nhiêu?
Theo thống kê cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 8,6%, tương đương với 202 nghìn tỷ đồng, còn Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tính toán thì lại là 11,8%, tương đương với 270 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù, chưa có câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi: Con số nợ xấu chính xác của Việt Nam là bao nhiêu? Nhưng hầu hết các nhận định đều cho rằng, nợ xấu hiện nay là một con số không hề nhỏ đối với ViệtNam.
Bà Dương Thu Hương – Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng: Nếu hiểu nôm na “nợ xấu là khoản tiền vay đến hạn phải trả nhưng không thể trả được” thì các con số thống kê về nợ xấu cần được xem xét lại một cách nghiêm túc.
Bởi lẽ, ngoài số nợ sổ sách của các doanh nghiệp liệu thống kê đã tính toán bao gồm các khoản đảo nợ, khoanh hay giãn nợ chưa? – Bà Hương đặt câu hỏi.
Theo bà Hương, xử lý nợ xấu là cần thiết nhưng nếu vội vàng xử lý mà không “mổ xẻ” chi tiết về nợ xấu thì chính sách sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong tương lai.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Đình Ánh nói: “Dường như chúng ta đang đi trước vấn đề. Chưa biết tại sao lại như thế thì chúng ta lại đi hỏi cần phải làm gì?”
“Chúng ta không thể nào xử lý được nợ xấu nếu không biết chính xác con số đó là bao nhiêu?” – Ông Ánh nói.
“Nếu thực sự con số nợ xấu là 202 nghìn tỷ đồng thì liệu đó có phải là vấn đề đáng lo ngại không khi mà các khoản vay này đều đã có dự phòng rủi ro tại các ngân hàng? – Ông Ánh đặt câu hỏi.
Khánh Linh
Theo TTVN​
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,089
Tổng số thành viên
351,561
Thành viên mới nhất
movemyhome
Back
Bên trên