Kế toán chi nộp thuế, phí và lệ phí trong NHTM

Kế toán chi nộp thuế, phí và lệ phí trong NHTM

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, các NHTM thường phát sinh các khoản phí, lệ phí phải nộp cho ngân sách như phí đăng ký, phí giao thông cho các phương tiện vận tải và các khoản thuế như thuế GTGT, thuế môn bài, thuế sử dụng đất, thuế trước bạ… theo luật thuế của Nhà nước.

a- Kế toán chi nộp thuế GTGT

Thuế GTGT là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của các hàng hoá và dịch vụ mà ngân hàng đã cung ứng (tiêu thụ) trên thị trường và do người mua các sản phẩm dịch vụ này chịu. Căn cứ vào Luật thuế GTGT và quy định của Bộ Tài chính, trong hoạt động kinh doanh ngân hàng các đối tượng chịu thuế GTGT như các dịch vụ thu phí, hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng bạc, kim loại quý, đá quý, kinh doanh chứng khoán. Trong đó, các hoạt động dịch vụ thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ; hoạt động kinh doanh vàng bạc, đá quý, ngoại tệ thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Để xác định số thuế theo phương pháp khấu trừ, các ngân hàng phải xác định chính xác số thuế đầu ra và số thuế đầu vào để tính toán số thuế phải nộp sau khi đã khấu trừ.

– Kế toán thuế GTGT đầu vào: Thuế GTGT đầu vào là số thuế mà ngân hàng đã phải trả cho các vật tư, hàng hoá, tài sản hoặc dịch vụ khi mua để đưa vào hoạt động. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể để hạch toán trực tiếp số thuế vào tài khoản thuế GTGT đầu vào hoặc tính theo mức thuế suất trên tổng giá trị thanh toán. Trường hợp mua vật tư, hàng hoá sử dụng hoá đơn thuế GTGT theo quy định của Bọ Tài chính, trên hoá đơn cần xác định rõ số thuế GTGT. Trường hợp mua vật tư hàng hoá không sử dụng hoá đơn thuế GTGT thì căn cứ vào thuế suất của loại vật tư hàng hoá để xác định số thuế đầu vào theo công thức:

Số thuế GTGT đầu vào=((Tổng gt thanh toán)/(1+ tỉ lệ thuế))x thuế suất

Sau khi xác định được số thuế đầu vào, kế toán hạch toán:
Nợ: TK thích hợp (giá thanh toán chưa có thuế)
Nợ: TK thuế GTGT đầu vào (thuế GTGT)
Có: TK thích hợp (tổng giá trị thanh toán)
Trường hợp yếu tố đầu vào chỉ sử dụng cho đối tượng không chịu thuế và chịu thuế tính trực tiếp thì số thuế đầu vào được tính vào giá trị của yếu tố đầu vào đó (TSCĐ, vật liệu). Nếu yếu tố đầu vào sử dụng cho nhiều đối tượng thì số thuế GTGT đầu vào được hạch toán vào tiểu khoản thuế đầu vào riêng, sau đó căn cứ vào mức độ tham gia của yếu tố này trong các hoạt động để định kỳ tiến hành phân bổ số thuế được khấu trừ và kết chuyển vào tài khoản thích hợp số thuế không được khấu trừ.

– Kế toán thuế GTGT đầu ra: Thuế GTGT đầu ra là số thuế mà các khách hàng mua các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ của ngân hàng phải trả được tính vào số tiền mà khách hàng phải thanh toán.
Trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng có những hoạt động thuộc đối tượng không chịu thuế (hoạt động tín dụng), hoạt động chịu thuế trực tiếp (kinh doanh vàng bạc, ngoại tệ, chứng khoán) và hoạt động chịu thuế theo phương pháp khấu trừ (các hoạt động dịch vụ).
+ Đối với hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng bạc và chứng khoán… là đối tượng kinh doanh chịu thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, thì số thuế GTGT tính trên phần giá trị tăng thêm và mức thuế suất cho từng đối tượng.

Số thuế GTGT đầu ra= (số tiền thu được theo giá bán- số tiền thu được theo giá mua)x thuế suất

Căn cứ vào số thuế tính được, kế toán hạch toán:
Nợ: TK chi nộp thuế
Có: TK thuế GTGT phải nộp
Nếu doanh thu bán hàng nhỏ hơn giá mua vào thì phần chênh lệch được chuyển sang kỳ tiếp theo để tính GTGT.
+ Đối với các hoạt động dịch vụ là đối tượng chịu thuế theo phương pháp khấu trừ, căn cứ vào số thuế tính trên từng khoản thu theo biểu thuế suất, và hạch toán:
Nợ: TK thích hợp (tổng giá trị được thanh toán)
Có: TK thuế GTGT phải nộp (số thuế GTGT)
Có: TK thu nhập thích hợp (số tiền được hạch toán vào thu nhập)

– Quyết toán thuế GTGT
Cuối kỳ, các ngân hàng phải xác định chính thức số thuế GTGT phải nộp để quyết toán và thanh toán với Kho bạc Nhà nước. Để xác định số thuế phải nộp ngân sách, kế toán tiến hành kết chuyển số thuế đầu vào được khấu trừ kỳ này, số thuế đầu vào phải phân bổ vào chi phí trong kỳ, số thuế đầu vào tính phân bổ cho kỳ sau để hạch toán:
Nợ: TK chi phí thích hợp (số thuế đầu vào không được khấu trừ và tính vào chi phí trong kỳ)
Nợ: TK chi phí chờ phân bổ (số thuế đầu vào tính cho kỳ sau)
Nợ: TK Thuế GTGT phải nộp (số thuế được khấu trừ kỳ này)
Có: TK Thuế GTGT đầu vào
Sau khi xác định chính xác số thuế GTGT phải nộp, kế toán lập chứng từ nộp thuế cho Ngân sách qua Kho bạc và hạch toán:
Nợ: TK thuế GTGT phải nộp
Có: TK thích hợp (tiền gửi tại NHNN, TTBT, tiền mặt, tiền gửi của Kho bạc, TTBT)
Trường hợp số thuế đầu vào được khấu trừ lớn hơn số thuế đầu ra sẽ được tính trừ vào số thuế phải nộp kỳ sau hoặc được Ngân sách hoàn lại. Số chênh lệch chờ NSNN thanh toán sẽ được hạch toán vào tài khoản chờ NSNN thanh toán:
Nợ: TK chờ NSNN thanh toán
Có: TK thuế GTGT phải nộp
Nếu được hoàn thuế GTGT, căn cứ vào chứng từ chuyển tiền của Kho bạc, kế toán ghi:
Nợ: TK thích hợp (tiền mặt, tiền gửi tại NHNN, tiền gửi của Kho bạc…)
Có: TK chờ NSNN thanh toán

Trường hợp ngân hàng tạm ứng nộp thuế GTGT thì khi tạm ứng nộp thuế sẽ hạch toán vào tài khoản tạm ứng nộp NSNN, sau khi xác định số thuế GTGT phải nộp sẽ tất toán tài khoản tạm ứng nộp Ngân sách và nộp tiếp số thuế còn thiếu hoặc thu hồi số thuế đã nộp thừa.

b- Kế toán chi nộp các khoản phí, lệ phí và thuế khác

Các khoản thuế khác, phí và lệ phí mà ngân hàng phải nộp cho ngân sách bao gồm thuế sử dụng đất, thuế trước bạ, lệ phí giao thông, phí đăng kiểm, đăng ký cho các phương tiện vận tải, phí chuyển quyền sở hữu tài sản….

– Trường hợp chi nộp trực tiếp thì khi phát sinh nghiệp vụ, kế toán xác định số thuế, phí hoặc lệ phí phải nộp, căn cứ vào chứng từ tính thuế nộp cho Ngân sách, kế toán ghi:
Nợ: TK chi nộp thuế (số thuế phải nộp)
Nợ: TK chi nộp các khoản phí, lệ phí (số phí và lệ phí phải nộp)
Có: TK thích hợp (tiền mặt, tiền gửi tại NHNN, tiền gửi của Kho bạc,…)

– Trường hợp tạm ứng nộp Ngân sách thì căn cứ vào mức thuế hoặc phí của cơ quan tài chính sẽ tạm ứng nộp cho Ngân sách:
Nợ: TK tạm ứng nộp NSNN
Có: TK thích hợp (tiền mặt, TG tại NHNN, tiền gửi của Kho bạc…)
Khi quyết toán số thuế, phí và lệ phí phải nộp theo thông báo của cơ quan tài chính để xác định số còn phải nộp hoặc thu hồi số nộp thừa

– Nếu số phải nộp lớn hơn số đã nộp, hạch toán:
Nợ: TK chi nộp thuế hoặc chi nộp phí, lệ phí (số phải nộp)
Có: TK tạm ứng nộp Ngân sách Nhà nước (số đã nộp)
Có: TK thích hợp (tiền mặt, TG tại NHNN, TG của Kho bạc…) (số phải nộp thêm)

– Nếu số đã tạm ứng nộp lớn hơn số phải nộp, hạch toán:
Nợ: TK chi nộp thuế hoặc chi nộp phí, lệ phí (số phải nộp)
Nợ: TK chờ NSNN thanh toán (số chênh lệch nộp thừa)
Có: TK tạm ứng nộp Ngân sách Nhà nước (số đã nộp)
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,574
Số bình luận
528,077
Tổng số thành viên
351,222
Thành viên mới nhất
milfnutlife
Back
Bên trên