Giải đáp vướng mắc liên quan đến Thông tư 21/2012/TT - NHNN

cocghe266

Administrator


NHNN giải đáp một số vướng mắc của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài liên quan đến Thông tư 21/2012/TT-NHNN ngày 18/6/2012 Quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nội dung chi tiết:

I. Điều 1- Phạm vi điều chỉnh

1. Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) đang thực hiện giao dịch mua, bán GTCG tại HNX có bị điều chỉnh bởi Thông tư 21 không?

Trả lời:
Có bị điều chỉnh.

2. Hai chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cùng một ngân hàng mẹ vay vốn lẫn nhau có bị điều chỉnh bởi Thông tư 21 không? Nếu hai chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cùng một ngân hàng mẹ hạch toán độc lập thực hiện gửi vốn, nhận vốn lẫn nhau thì có được xem như giao dịch cho vay, đi vay hay vẫn xem như là gửi tiền không?
(NH SMBC chi nhánh HCM, SMBC chi nhánh Hà Nội)

Trả lời:
Quy định về cho vay trên thị trường liên ngân hàng tại Thông tư 21 áp dụng chung cho các chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phân biệt chi nhánh ngân hàng nước ngoài hạch toán độc lập hay phụ thuộc, do đó, không có cơ sở để coi giao dịch chuyển vốn giữa hai chi nhánh phụ thuộc là giao dịch chuyển vốn nội bộ. Như vậy, kể từ ngày 01/09/2012, giữa hai chi nhánh này sẽ không được thực hiện hình thức gửi tiền, nhận tiền gửi có kỳ hạn nữa mà sẽ chuyển sang hình thức cho vay lẫn nhau.

3. Các giao dịch nội bộ: Giao dịch giữa chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam với ngân hàng mẹ ở nước ngoài, hoặc với các chi nhánh khác ở nước ngoài có thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 21 không?
(NH UOB).

Trả lời:
Thông tư 21 điều chỉnh các giao dịch liên ngân hàng giữa các TCTD hoạt động tại Việt Nam, không điều chỉnh các giao dịch liên ngân hàng ngoài lãnh thổ Việt Nam, nên các giao dịch giữa chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam với ngân hàng mẹ ở nước ngoài hoặc với các chi nhánh khác ở nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 21.

4. Trong trường hợp ngân hàng vừa cho vay vừa cấp tín dụng dưới hình thức khác, như phát hành thư bảo lãnh/tín dụng thư đối với công ty cho thuê tài chính thì việc quản lý và báo cáo đối với khách hàng này thực hiện như thế nào? Dư nợ vay và số dư bảo lãnh/tín dụng thư của khách hàng này sẽ chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật nào?
(Shinhan VN).

Trả lời:
Phạm vi điều chỉnh của TT21 là các hoạt động cho vay, đi vay giữa các TCTD; các hình thức cấp tín dụng khác của TCTD không thuộc phạm vi điều chỉnh TT21.Như vậy, trường hợp ngân hàng cho vay đối với công ty cho thuê tài chính sẽ chịu sự điều chỉnh của Thông tư 21.Trường hợp ngân hàng cấp tín dụng cho công ty cho thuê tài chính dưới hình thức khác như phát hành thư bảo lãnh/tín dụng chứng từ thì việc báo cáo số dư bảo lãnh/tín dụng thư đối với khách hàng này sẽ chịu sự điều chỉnh tại các quy định về bảo lãnh ngân hàng, quy định về báo cáo thống kê và các văn bản liên quan khác do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định.

II. Điều 4 - Điều kiện tham gia giao dịch

1. Vai trò của NHNN trong việc cung cấp thông tin cho thị trường biết về các TCTD không đủ điều kiện đi vay, đặc biệt các TCTD đang có nợ quá hạn từ 10 ngày trở lên, đang bị NHNN hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện giao dịch liên ngân hàng? Đề nghị NHNN thiết lập kênh công bố, cập nhật thông tin về tình trạng nợ của các TCTD để bên cho vay biết trước khi ra quyết định cho vay
(NH Đầu tư).

Trả lời:
Điều 27 Thông tư 21 quy định trách nhiệm của các đơn vị tại NHNN trong tổ chức thực hiện, trong đó không quy định NHNN phải cung cấp các thông tin về các TCTD không có đủ điều kiện đi vay cho thị trường biết.Theo quy định tại Thông tư 21, các TCTD là bên cho vay hoàn toàn có thể bảo vệ được quyền lợi của mình thông qua việc yêu cầu đối tác có các cam kết ràng buộc trách nhiệm trong việc cung cấp chính xác thông tin tại Hợp đồng cho vay, hợp đồng mua có kỳ hạn GTCG (Điều 15, Điều 24 Thông tư 21), đồng thời bản thân TCTD cho vay cũng phải có trách nhiệm đánh giá đối tác và TCTD đi vay phải tự chịu trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin (quy định tại điểm c khoản 2 Điều 17). Trường hợp TCTD đi vay vi phạm quy định này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của TCTD cho vay trong việc cho vay các TCTD không đủ điều kiện theo quy định? Lúc đó giao dịch cho vay này có được coi là vô hiệu theo quy định tại Điều 128 Bộ Luật Dân sự hay không? Nếu có thì đề nghị NHNN hướng dẫn cụ thể việc giải quyết hậu quả pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên cho vay
(NH Đầu tư).

Trả lời:
Các bên tham gia giao dịch phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 21, còn việc xác định và tuyên bố hợp đồng vô hiệu thuộc thẩm quyền của Tòa án, không thuộc thẩm quyền của NHNN.Để giải quyết vấn đề này, TCTD cho vay cần quy định cụ thể, chặt chẽ trong hợp đồng cho vay. Trường hợp xảy ra tranh chấp pháp lý, các bên không tự thương lượng giải quyết được, các bên có thể khởi kiện ra toà.

3. Điểm c, khoản 1 Điều 4 Thông tư 21 quy định: “TCTD gửi văn bản quy định nội bộ về quy trình nghiệp vụ và quy trình quản lý rủi ro của đơn vị mình về NHNN ngay sau khi ban hành”. Như vậy, văn bản quy định nội bộ của TCTD có bắt buộc phải gửi cho NHNN trước ngày 01/09/2012 hay ko? Nếu gửi rồi có chờ phản hồi của NHNN hay ko?

Trả lời:
Vì Thông tư 21 có hiệu lực từ ngày 01/09/2012, nên kể từ ngày 01/09/2012, TCTD phải đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định thì mới được thực hiện giao dịch. Do đó, TCTD phải gửi văn bản quy định nội bộ về quy trình nghiệp vụ và quy trình quản lý rủi ro của TCTD tới NHNNtrước khi thực hiện giao dịch đầu tiên kể từ ngày Thông tư 21 có hiệu lực (01/09/2012). TCTD không cần chờ phản hồi của NHNN.

4. Điều 4 không quy định về điều kiện giấy phép đối với giao dịch cho vay. Như vậy có được hiểu là các TCTD nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 4 thì sẽ được thực hiện giao dịch mà không yêu cầu trong giấy phép hoạt động phải có nội dung quy định về hoạt động vay vốn này.
(Cty tài chính Toyota VN).

Trả lời:
Điều 90 Luật các TCTD về phạm vi hoạt động được phép của TCTD quy định các TCTD chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh được ghi trong giấy phép theo hướng dẫn của NHNN. Như vậy, để được thực hiện hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn GTCG với các TCTD khác thì trong nội dung giấy phép hoạt động của TCTD phải có nội dung quy định về hoạt động này và khi thực hiện các hoạt động này, TCTD phải tuân thủ các quy định tại Thông tư 21.

III. Điều 5- Hình thức thực hiện giao dịch và thanh toán.

1. Mạng giao dịch qua Reuters có được công nhận không?
(NH Đầu tư).

Trả lời:
Có được công nhận.

2. Quy định về thanh toán qua CITAD có áp dụng trong các trường hợp sau không?:

(1) Giữa các TCTD đã mở tài khoản thanh toán lẫn nhau (Đầu tư, Mizuho);
(2) Các giao dịch rollover (NH Đầu tư)?

Trả lời:

(1) Các giao dịch liên ngân hàng giữa các TCTD trong trường hợp này vẫn phải thanh toán qua CITAD;

(2) Quy định tại Khoản 3, Điều 5 Thông tư 21 áp dụng đối với các giao dịch liên ngân hàng phải thực hiện chuyển tiền và các giao dịch chuyển tiền gốc cho vay ban đầu của món vay, không áp dụng đối với việc chuyển trả nợ gốc và lãi của khoản vay. Như vậy, các giao dịch nêu trên không phải thực hiện thanh toán qua CITAD.

3. Đề nghị cho phép thanh toán bằng ủy nhiệm chi với các giao dịch sau giờ đóng cửa của hệ thống CITAD hoặc trong trường hợp hệ thống CITAD bị lỗi.
(NH Đầu tư).

Trả lời:
Đồng ý.

4. Đề nghị NHNN cho phép ngân hàng được thực hiện phương án dự phòng khi thanh toán các giao dịch liên ngân hàng bằng đồng Việt Nam thông qua hệ thống thanh toán nội bộ của những ngân hàng lớn như: Đầu tư, Ngoại thương, Công thương và Nông nghiệp khi ngân hàng có giao dịch vay vốn với các ngân hàng này để đảm bảo phục vụ các nhu cầu thanh toán của khách hàng kịp thời vì Hệ thống CITAD có khi bị gián đoạn hoặc chậm trễ do lỗi kỹ thuật, ảnh hưởng đến dịch vụ thanh toán cho khách hàng, đặc biệt là những lệnh thanh toán cho các giao dịch chứng khoán trước 11h sáng thông qua NH Đầu tư.
(Deutsche Bank)

Trả lời:
Các ngân hàng là thành viên của Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng phải thực hiện thanh toán các giao dịch liên ngân hàng qua hệ thống CITAD kể từ ngày Thông tư 21 có hiệu lực. Trong trường hợp Hệ thống CITAD bị lỗi hoặc các ngân hàng thực hiện các giao dịch liên ngân hàng sau giờ đóng cửa của hệ thống CITAD thì các ngân hàng được thực hiện thanh toán các giao dịch liên ngân hàng qua các hệ thống thanh toán khác.

5. Hiện nay các giao dịch repo qua HNX được thực hiện thanh toán qua ngân hàng được chỉ định là NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam
(NH Đầu tư), do đó, NH Đầu tư đề nghị NHNN cho phép các giao dịch này vẫn thực hiện thanh toán qua hệ thống thanh toán nội bộ của NH Đầu tư và NHĐầu tư sẽ báo cáo với NHNN sau. (NH Đầu tư)

Trả lời:
Không đồng ý, các giao dịch mua/bán có kỳ hạn GTCG giữa các TCTD phải thực hiện thanh toán qua CITAD theo đúng quy định tại Thông tư 21.Việc thanh toán qua ngân hàng được chỉ định như hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, do sau khi chuyển tiền qua NH Đầu tư để thanh toán giao dịch repo, các ngân hàng lại tiếp tục phải chuyển tiền qua hệ thống CITAD về tài khoản tiền gửi mở tại NHNN mà không để lại BIDV, như vậy các thành viên vẫn phải chuyển tiền qua CITAD, phát sinh phí chuyển tiền nhiều lần và thời gian chuyển tiền bị kéo dài.

6. Đề nghị không bắt buộc các lệnh thanh toán lãi của các khoản vay gia hạn (giá trị nhỏ và thực hiện sớm) phải thực hiện dưới Lệnh giá trị cao.(NH Đầu tư).

Trả lời:
Quy định này chỉ áp dụng đối với việc chuyển tiền gốc cho vay ban đầu của khoản vay, không áp dụng đối với việc chuyển trả nợ gốc và lãi của khoản vay.

IV. Điều 6 - Thông tin giao dịch

1. Giấy xác nhận giao dịch hiện đang thực hiện qua mạng SWIFT là mẫu chuẩn quốc tế nên không thể chèn thêm các nội dung như quy định tại điều này.

Trả lời:
Các nội dung quy định được đưa ra đã phù hợp với mẫu điện xác nhận thực hiện qua mạng SWIFT, chỉ phát sinh thêm nội dung ghi: “giao dịch có bảo đảm hoặc không có bảo đảm”. Tại mẫu điện SWIFT có trường 72 cho phép các đơn vị ghi thêm nội dung giao dịch, do đó, các TCTD có thể ghi thêm các nội dung như quy định.

2. Hai chi nhánh NH Mizuho tại Hà Nội và Tp HCM là hai chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động độc lập. Hoạt động kinh doanh tiền tệ trên thị trường liên ngân hàng của chi nhánh Tp HCM đều được đảm nhiệm bởi chi nhánh Hà Nội dựa trên hợp đồng ủy thác nghiệp vụ được ký kết giữa hai chi nhánh. Do đó, đề nghị được miễn áp dụng quy định về xác nhận giao dịch và ký hợp đồng khung. (Mizuho Hà Nội).

Trả lời:
Trong trường hợp này, TCTD thực hiện theo quy định của NHNN về nghiệp vụ nhận ủy thác và ủy thác của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, do đó, không phải tuân thủ các quy định về xác nhận giao dịch và ký hợp đồng khung.

V. Điều 7 - Trích lập dự phòng rủi ro

1. Trường hợp mua có kỳ hạn giấy tờ có giá (GTCG) là trái phiếu Chính phủ thì có phải trích lập dự phòng không? (NH UOB)

Trả lời:
Khi TCTD thực hiện giao dịch mua có kỳ hạn GTCG thì phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Việc thực hiện trích lập chỉ căn cứ vào món nợ thuộc nhóm nào mà không phân biệt GTCG được mua là loại GTCG gì.

2. Hoạt động đầu tư (mua hẳn) GTCG (trường hợp GTCG là trái phiếu Chính phủ và GTCG không là trái phiếu Chính phủ) có phải trích lập dự phòng rủi ro không?
(NH UOB).

TCTD có phải lập dự phòng cho các giao dịch nội bộ (giao dịch giữa chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam với NH mẹ ở nước ngoài/chi nhánh NH ở nước ngoài) và giao dịch giữa hai chi nhánh của cũng một ngân hàng mẹ không? (NH UOB, NH Mizuho)
.

Trả lời:
Thông tư 21 không điều chỉnh hoạt động đầu tư GTCG của TCTD và các giao dịch nội bộ của TCTD. Trường hợp khác, TCTD cần căn cứ quy định hiện hành về trích lập dự phòng rủi ro của NHNN để xác định.

3. Đối với các khoản vay liên ngân hàng có đảm bảo, ngân hàng cho vay ra VNĐ và nhận lại USD như là một khoản đảm bảo cho khoản vay này, ngân hàng có thể được miễn trích lập dự phòng cho khoản vay này hay không vì khoản vay này đã được đảm bảo bằng ngoại tệ mạnh (UOB HCM)
.

Trả lời:
Trường hợp này TCTD căn cứ quy định về tính giá trị tài sản đảm bảo của khoản vay khi tính số tiền dự phòng phải trích lập theo quy định của NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD. Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của NHNN quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng, thì sẽ được khấu trừ tối đa 95% số dư trên tài khoản tiền gửi bằng ngoại tệ tại TCTD.

VI. Điều 8 - Nguyên tắc cho vay, đi vay

Khoản 2 quy định: TCTD khi thực hiện giao dịch liên ngân hàng chỉ được thực hiện tại Trụ sở chính.

1. Đề nghị NHNN cho phép áp dụng cơ chế xét duyệt, cấp hạn mức tín dụng tại trụ sở chính và ủy quyền cho chi nhánh giải ngân, quản lý khoản vay đối với khách hàng là Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở (QTDNDCS) tại các địa bàn xa xôi không có chi nhánh tại Hà Nội.
(NH Đầu tư)

Trả lời:
Trường hợp này, trụ sở chính của TCTD được xét duyệt, cấp hạn mức và ký hợp đồng trực tiếp với QTDNDCS, sau đó ủy quyền cho chi nhánh thực hiện việc chuyển tiền thanh toán.

2. Đề nghị cho phép các chi nhánh của Công ty CTTC được trực tiếp thực hiện (hoặc Hội sở công ty ủy quyền) vay vốn với các chi nhánh của các TCTD trên cùng địa bàn vì quy định này dẫn đến các chi nhánh sẽ không chủ động trong kinh doanh vì thủ tục vay vốn kéo dài và tăng chi phí (phát sinh thêm phí chuyển tiền từ Hội sở đến các chi nhánh).
(Cty CTTC NH Đầu tư)

Trả lời:
Không đồng ý do quy định này nhằm mục đích quản lý rủi ro và cũng phù hợp với mô hình quản lý tập trung tại Hội sở chính của các TCTD hiện nay theo chương trình hiện đại hóa ngân hàng.

VII. Điều 9 - Mục đích cho vay, đi vay

Khoản 1 quy định TCTD được cho vay, đi vay lẫn nhau để bù đắp thiếu hụt tạm thời dự trữ bắt buộc, khả năng chi trả và cân đối vốn trong ngắn hạn.

1. Đề nghị NHNN bổ sung thêm nội dung quy định: “Riêng đối với công ty CTTC được phép đi vay để cho thuê tài chính”. (Hiệp hội cho thuê tài chính, Cty CTTC NH Ngoại thươ
ng).

Trả lời:
Quy định “cân đối vốn trong ngắn hạn nghĩa là TCTD được sử dụng nguồn tiền trên liên ngân hàng để cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn trong ngắn hạn mà không trực tiếp quy định thời hạn các giao dịch.

Mặt khác, Khoản 2 Điều này quy định TCTD được sử dụng nguồn vốn vay trên thị trường liên ngân hàng linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với định hướng kinh doanh của TCTD, duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn. Ngoài ra, Thông tư số 15/2009/TT-NHNN ngày 10/08/2009 quy định nguồn vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn có bao gồm cả nguồn vốn huy động từ thị trường liên ngân hàng (các khoản nhận tiền gửi, đi vay từ các tổ chức tín dụng khác). Như vậy, công ty CTTC đi vay trên liên ngân hàng để cho thuê tài chính là không vi phạm quy định tại Điều 9 Thông tư 21.

2. Ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi thực hiện quy định này do ngân hàng không thể kiểm soát được mục đích vay của ngân hàng bạn.
(Sumitomo HCM, Shinhan VN).

Trả lời:
Điểm c, d Khoản 2 Điều 17 Thông tư 21 quy định TCTD đi vay có nghĩa vụ: “cung cấp trung thực, chính xác các thông tin, tài liệu có liên quan và chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin cho bên cho vay…”, “sử dụng các khoản tiền vay trên thị trường liên ngân hàng đúng mục đích quy định tại Điều 9 Thông tư này”. Như vậy, theo quy định này TCTD đi vay phải tự chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin và sử dụng các khoản tiền vay trên liên ngân hàng của mình. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này, TCTD cho vay cần quy định cụ thể, chặt chẽ trong hợp đồng cho vay. Trường hợp xảy ra tranh chấp pháp lý, nếu các bên không tự thương lượng giải quyết được thì có thể khởi kiện ra toà.

VIII. Điều 12-Bảo đảm tiền vay

Thông tư 21 quy định các bên được thỏa thuận áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay. Như vậy, trường hợp TCTD cho công ty cho thuê tài chính là công ty con của TCTD vay mà không áp dụng biện pháp bảo đảm thì có vi phạm quy định tại điểm e khoản 1 Điều 127 Luật các TCTD không?
(Cty CTTC NH Đầu tư, Cty CTTC NH Á Châu)

Trả lời:
Điểm e khoản 1 Điều 127 Luật các TCTD quy định: “TCTD không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho các công ty con, công ty liên kết của TCTD hoặc doanh nghiệp mà TCTD nắm quyền kiểm soát”.Thông tư 21 quy định các bên được thỏa thuận áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm nhưng vẫn phải tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành có liên quan. Như vậy, ngoài quy định tại Thông tư 21, các TCTD phải tuân thủ các quy định của pháp luật khác có liên quan đến nội dung này. Tại điểm e khoản 1 Điều 127 Luật các TCTD đã quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng không có bảo đảm cho các công ty con của TCTD nên các TCTD phải thực hiện theo quy định tại Luật các TCTD.

IX. Điều 16 -Quyền và nghĩa vụ của bên cho vay

1. Điểm c khoản 1:

1.1. Thông tư 21 không giải thích các khái niệm: gia hạn khoản vay, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, điều chỉnh lãi suất cho vay, chuyển nợ quá hạn. Như vậy trường hợp khoản vay dưới hình thức quay vòng/tái tục/tuần hoàn (rollover) nhằm hạn chế phải tất toán hợp đồng vay cũ và ký hợp đồng vay mới, giảm thiểu thủ tục và chi phái phát sinh thì có vi phạm quy định tại Thông tư 21 không?
(NH Đầu tư)

Trả lời:
Điều 13 quy định phương thức cho vay, đi vay do các bên tự thỏa thuận. Như vậy, các trường hợp đã nêu không vi phạm quy định.

1.2. Đề nghị có hướng dẫn về miễn, giảm lãi vay. (NH Đầu tư, Cty CTTC NH Đầu tư)

Trả lời:
Khoản 1 Điều 16 có quy định bên cho vay có quyền điều chỉnh lãi suất cho vay, như vậy TCTD được quyền xem xét, điều chỉnh giảm lãi vay. Thông tư 21 không quy định về việc miễn lãi vay.

1.3. TCTD có được miễn, giảm lãi đối với TCTD là công ty con, công ty liên kết của TCTD cho vay hay không? (NH Đầu tư, Cty CTTC NH Đầu tư)

Trả lời:
Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 127 Luật các TCTD thì TCTD sẽ không được cấp tín dụng ưu đãi đối với các đối tượng này.

2. Điểm d khoản 2: Đề nghị quy định cụ thể thời gian bên cho vay phải báo cáo NHNN và làm rõ bên cho vay có phải báo cáo NHNN về việc đãthu hồi được nợ hay không? (NH Đầu tư
)

Trả lời:
Vụ Tín dụng sẽ quy định việc báo cáo nội dung này của TCTD thông qua Hệ thống báo cáo thống kê.

X. Điều 22 - Thời hạn mua, bán

Tại sao quy định thời hạn mua, bán có kỳ hạn GTCG dưới 1 năm?

Trả lời:
Điều 104 Luật các TCTD về tham gia thị trường tiền tệ có quy định về hoạt động mua, bán GTCG, mà theo quy định tại khoản 6 Điều 6 Luật NHNN thì thị trường tiền tệ là nơi giao dịch ngắn hạn về vốn.

XI. Điều 23-Lãi suất mua và cách xác định giá mua, giá mua lại

Thông tư quy định 1 năm là 365 ngày, tuy nhiên, tại sàn giao dịch qua HNX thì số ngày 1 năm là số ngày thực tế (365 hoặc 366 ngày). Do đó,đề nghị NHNN phối hợp với Trung tâm lưu ký để thống nhất cách tính, tránh sai lệch trong hạch toán kế toán. (NH Đầu tư
)

Trả lời:
Đồng ý, NHNN sẽ làm việc với Trung tâm lưu ký để thống nhất về vấn đề này.

XII. Điều 28 - Hiệu lực thi hành

Khoản 3 quy định TCTD không được gửi tiền lẫn nhau (Trừ tiền gửi thanh toán)

1. Công ty cho thuê tài chính, cty tài chính xin phép được gửi tiền có kỳ hạn tại các TCTD khác. (Cty CTTC NH Á Châu, Hiệp hội CTTC VN, Cty TC Việt SG, Cty TC Prudential, Cty TC PPF, Cty TC Quốc tế V
N, cty TC Mirae Asset, Cty CTTC NH Ngoại thương, Cty tài chính Toyota VN)

Trả lời:
Không đồng ý. Công ty cho thuê tài chính chỉ cần chuyển hình thức thực hiện sang cho vay các TCTD khác. Quy định này căn cứ quy định của Luật các TCTD 2010 về hoạt động của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó không quy định TCTD được gửi tiền lẫn nhau mà chỉ quy định mở tài khoản thanh toán lẫn nhau và căn cứ yêu cầu quản lý thực tiễn hoạt động thị trường liên ngân hàng trong thời gian qua, NHNN đã và đang đưa các giao dịch vốn trên thị trường liên ngân hàng về đúng bản chất.

2. Việc phải chuyển tiền gửi thành tiền vay sẽ làm ngân hàng phát sinh một khoản chi phí lớn do phải trích lập dự phòng cho các khoản tiền gửi này. Như vậy, sẽ khiến cho lãi suất tăng trong khi NHNN đang nỗ lực cắt giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động gửi tiền tại các NH trong nước tăng chi phí sẽ không khuyến khích các TCTD nước ngoài thừa vốn gửi tiền ngoại tệ tại các ngân hàng trong nước theo yêu cầu của công văn số 3945/NHNN-TTGSNH ngày 29/06/2012 (Sumitomo HCM, Shinhan Việt Nam)
.

Trả lời:
Quy định các TCTD không được gửi tiền lẫn nhau căn cứ theo quy định tại Luật các TCTD, do đó các TCTD cần tuân thủ quy định này. Theo quy định, các TCTD chỉ thực hiện trích lập dự phòng khi các khoản nợ này bị chuyển thành nợ quá hạn từ 10 ngày trở lên. Ngoài ra, xét về bản chất, các khoản tiền gửi liên ngân hàng cũng là các khoản cho vay, do đó, cũng sẽ phải thực hiện trích lập dự phòng.

3. Việc chuyển hình thức tiền gửi thành tiền vay sẽ làm ảnh hưởng đến việc quản lý khả năng chi trả của các TCTD vì khi tính tỷ lệ khả năng chi trả của các TCTD theo quy định tại Thông tư 13 thì giá trị của “Tổng tài sản “Có” thanh toán ngay” và “Tổng tài sản “Có” đến hạn thanh toán trong 7 ngày” bao gồm: số dư tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn tại các TCTD khác mà không có quy định bao gồm cả số dư các khoản cho vay TCTD khác.
(Sumitomo Hà Nội).

Trả lời:
Để phù hợp với quy định mới tại Thông tư 21 về hoạt động gửi tiền giữa các TCTD và nhằm thống nhất các quy định của NHNN về hoạt động gửi tiền và cho vay giữa các TCTD, NHNN sẽ rà soát lại các nội dung quy định liên quan đến hoạt động gửi tiền, nhận tiền gửi lẫn nhau của các TCTD quy định tại Thông tư 13/2010/TT-NHNN, Thông tư 15/2009/TT-NHNN, Thông tư 19/2010/TT-NHNN, Thông tư 22/2011/TT-NHNN để sửa đổi cho phù hợp với Thông tư 21.

4. Quy định TCTD không được gửi tiền lẫn nhau (Trừ tiền gửi thanh toán) có áp dụng đối với các giao dịch nội bộ không?
(NH UOB)

Trả lời:
Giao dịch nội bộ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 21, do đó, không áp dụng quy định này.

5. Ngân hàng thương mại có được mở tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán ở nước ngoài bằng VNĐ hay không?
(NH Đầu tư)

Trả lời:
Quy định về mở tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi ở nước ngoài phải tuân theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 21.

III. Các vấn đề khác:

1. Trường hợp TCTD phát hành xác nhận bảo lãnh hoặc bảo lãnh đối ứng cho một TCTD khác, khi phải ghi nợ bắt buộc cho TCTD này số tiền TCTD đã trả thay thì khoản nợ bắt buộc có được coi là khoản nợ liên ngân hàng hay không? Nếu có thì có phải chuyển hạch toán về trụ sở chính của TCTD bảo lãnh hay không? có phải báo cáo nợ quá hạn hay không? (NH Đầu tư
)

Trả lời:
Thông tư 21 chỉ quy định việc cho vay, đi vay giữa các TCTD, các khoản nợ phát sinh từ các nghiệp vụ liên quan lẫn nhau của TCTD không thuộc phạm vi điều chỉnh Thông tư này.Đối với các khoản nợ giữa các TCTD phát sinh từ việc trả nợ thay do thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh sẽ được NHNN theo dõi riêng tại báo cáo về hoạt động bảo lãnh ngân hàng quy định tại chế độ báo cáo thống kê.

2. Đề nghị NHNN làm rõ việc thấu chi tài khoản tiền gửi (thanh toán) giữa các TCTD có được coi là giao dịch cho vay, đi vay hay không? Có chịu sự điều chỉnh của Thông tư 21 hay không?
(NH Đầu tư)

Trả lời:
Hoạt động này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 21.



SBV
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,574
Số bình luận
528,077
Tổng số thành viên
351,226
Thành viên mới nhất
A Girl A Gun A
Back
Bên trên