Con đường đến với việc làm

tunx89

Moderator
Để đến được với công việc phù hợp và mình mong muốn, thì mỗi chúng ta đều phải trải qua những bước đi để đến được với nó. Đây là bài viết dựa trên những tư vấn của nhà NTD mà tôi tổng hợp được. Bước đầu tiên tôi nghĩ là khá cần thiết, đó là:

Trước tiên hãy xác định công việc phù hợp với bạn

Hãy nghiên cứu kỹ lưỡng thông tin tuyển dụng, đặc biệt là các phần mô tả công việc và yêu cầu tuyển dụng, xem năng lực của bạn có đáp ứng được tất cả những yêu cầu đó không. Việc này sẽ giúp bạn xác định chính xác công việc nào thật sự phù hợp với mình.

Sau đó là viết hồ sơ cho mỗi công việc
Sau khi xác định những công việc phù hợp, bạn cần tạo hồ sơ riêng cho mỗi công việc, trong đó nhấn mạnh những ưu điểm của bạn cũng như những thành tích bạn từng đạt được. Nếu bạn có ý định tìm việc nghiêm túc và mong muốn có được một công việc tốt thì hãy đầu tư thời gian và công sức để viết hồ sơ phù hợp với mỗi công việc mình dự tuyển. Chắc chắn khoản đầu tư này của bạn sẽ không bao giờ lãng phí!


Hoàn thiện CV của mình. Một số tip nhỏ mà tôi nghĩ khá quan trọng​



I. HỒ SƠ ẤN TƯỢNG – KHÔNG KHÓ NHƯ BẠN NGHĨ

Hồ sơ tìm việc (resume) luôn là một loại “vũ khí” tối quan trọng khi người ta muốn tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp. Thậm chí một số nhà tuyển dụng (NTD) chỉ cần xem một hồ sơ tìm việc trong 30 giây là đã có thể nhận ứng viên đó vào vòng phỏng vấn ngay! Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện nay khá nhiều ứng viên lại gặp khó khăn trong việc viết hồ sơ. Điều trớ trêu ở đây là dù có khá nhiều thông tin đặc sắc về bản thân để giới thiệu với NTD nhưng họ lại không biết thể hiện chúng như thế nào! Vấn đề này thật ra không khó giải quyết. Chỉ cần nghiên cứu kỹ cách viết hồ sơ chuẩn mà tôi hướng dẫn và chịu khó rèn luyện thì việc viết hồ sơ sẽ không còn là trở ngại với các bạn nữa.

Để giúp các bạn dễ hiểu, tôi sẽ hướng dẫn theo từng mục một:

Đầu tiên là mục Thông tin cá nhân.
Mục này dễ viết nhất. Tuy nhiên, bạn lưu ý là phải ghi rõ số điện thoại và địa chỉ e-mail bạn thường dùng nhất. Nếu NTD không biết làm cách nào để liên lạc với bạn thì dù hồ sơ của bạn ấn tượng đến mấy cũng vô ích!

Thứ hai là Mục tiêu nghề nghiệp.
Tôi thường thấy các bạn viết “Tôi muốn ứng tuyển vào vị trí Nhân viên kinh doanh trong ngành CNTT”. Viết như vậy thì rất khó thu hút được sự chú ý của NTD. Thay vào đó, bạn nên viết như sau:
Với khả năng giao tiếp & thuyết phục khách hàng chuyên nghiệp cùng với những kiến thức & sự am hiểu sâu rộng trong ngành CNTT, tôi mong muốn trở thành một nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực này.

Thứ ba là Học vấn.
Trong mục này, bạn có thể tham khảo ví dụ sau:

Cử nhân Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế (2000-2004)
Các khoá học ngắn hạn:
....

Bạn lưu ý là chỉ nên chọn những bằng cấp mới nhất và phù hợp nhất với vị trí mình ứng tuyển để giới thiệu trong hồ sơ. Không NTD nào muốn phí thời gian để đọc những thông tin “thừa”, dù chúng có ấn tượng đến đâu.

Kế tiếp là mục quan trọng vào bậc nhất: Kinh nghiệm làm việc.
Trong mục này, bạn không nên viết đơn giản là: “Tôi từng làm Nhân viên kinh doanh dự án trong hơn 3 năm tại công ty ABC”

Nếu viết như vậy, hồ sơ của bạn sẽ “chìm nghỉm” trong núi hồ sơ mà NTD nhận được vì họ không nắm được bạn đã làm gì và đạt được thành tích gì trong công việc cũ. Cách tối ưu ở đây là bạn nêu rõ những công việc mình từng đảm nhiệm ở vị trí nhân viên kinh doanh dự án ở công ty cũ và đặc biệt nhấn mạnh vào những thành tích đã đạt được:

Tháng 10/2006 – Tháng 12/2008: Công ty ABC
Nhân viên kinh doanh dự án
ABC là một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối hàng điện tử - điện lạnh.
Nhiệm vụ:

Tìm kiếm và mở rộng mạng lưới khách hàng doanh nghiệp
Giới thiệu sản phẩm, tư vấn và thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm
Làm hồ sơ thầu, bảng báo giá và hợp đồng
Chăm sóc khách hàng hiện tại
Tìm hiểu và cập nhật các thông tin về thị trường & các đối thủ cạnh tranh
Lập báo cáo định kỳ
Hỗ trợ việc triển khai các kế hoạch marketing, xây dựng thương hiệu cho công ty
Thành tích:

Đạt và vượt chỉ tiêu doanh số trong liên tục 10 tháng đầu năm 2008
Đoạt giải Best Sales (Nhân viên kinh doanh xuất sắc nhất) trong 6 tháng liên tiếp của năm 2008
Mở rộng mối quan hệ với hơn 1000 khách hàng
Thắng giải Singapore Contest tháng 3/2008. Đây là giải thưởng hàng tháng dành cho nhân viên kinh doanh đạt 200% chỉ tiêu doanh số.
Cuối cùng, chúng ta đến mục cũng rất quan trọng là Điểm mạnh.
Thay vì viết chung chung“Trình độ tin học văn phòng và tiếng Anh của tôi khá tốt”, bạn nên mô tả cụ thể những kỹ năng mình đã tích lũy được:

Sử dụng thành thạo Microsoft Word, Excel, Power Point
Giao tiếp bằng tiếng Anh lưu loát
Kỹ năng đàm phán, thương lượng và thuyết phục khách hàng tốt
Kỹ năng chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp
Kỹ năng làm việc nhóm khá tốt
Đam mê tìm hiểu, khám phá sản phẩm CNTT công nghệ cao



PHẦN II: SỨC MẠNH CỦA NGÔN TỪ

Những từ ngữ tiếp thị tốt bản thân

Khi mô tả về những gì mình đã thực hiện, bạn hãy sử dụng những từ ngữ tiếp thị tốt về bản thân mình, hãy chọn và viết những từ ngữ mang tính tích cực vì những từ đó thể hiện thái độ của bạn trong công việc, ví dụ như hoàn thành, thúc đẩy, sáng tạo, phát triển, khuyếch trương, chỉ đạo, chuyển đổi… hoặc những từ có sức tác động lớn hơn như quyết đoán, kiên định, linh hoạt, có trách nhiệm, sáng tạo…. Đồng thời, bạn cần tránh các từ tạo ra cảm giác tiêu cực như không thành công, chưa hoàn tất, mâu thuẫn, chậm tiến trình, dựa vào, ngưng tạm thời…


Những từ ngữ thể hiện năng lực

Hãy trình bày thật ngắn gọn và súc tích về kiến thức, kỹ năng, thái độ và khả năng của bạn bằng những cụm từ thể hiện năng lực. Bạn nên sử dụng những cụm từ liên quan đến kỹ năng cần có của công việc bạn đang chuẩn bị ứng tuyển. Chúng sẽ giúp bạn thể hiện trước NTD rằng bạn đã nhận biết được những yếu tố cần thiết của công việc này sau một quá trình nghiên cứu kỹ về thông tin đăng tuyển. Một số ví dụ về những cụm từ nên dùng như có chí cầu tiến, kiến thức sâu rộng về ngành hàng tiêu dùng nhanh, các kỹ năng tổ chức tốt, kỹ năng giao tiếp xuất sắc, hoạt bát, có tinh thần trách nhiệm cao. Việc sử dụng những cụm từ như trên sẽ giúp nhà tuyển dụng nhận rõ “sự phù hợp” giữa bạn và vị trí họ cần tuyển. Điều này đôi khi có tác dụng lớn hơn cả việc liệt kê những kinh nghiệm làm việc của bạn trong quá khứ.

Những từ ngữ chuyên ngành

Mỗi công việc đều có những ngôn ngữ chuyên ngành. Và thường thì rất khó để biết khi nào và ở phần nào nên dùng những từ ngữ đó. Vì vậy, để an toàn nhất bạn nên sử dụng từ hoặc cụm từ đã có trong phần thông báo tuyển dụng hay mô tả công việc của NTD. Nếu NTD dùng những từ hoặc cụm từ đơn giản để diễn tả một khía cạnh kỹ thuật của công việc, thì bạn cũng nên sử dụng lại những cụm từ này. Ví dụ, nếu thông báo tuyển dụng viết “yêu cầu có kiến thức về thống kê cao cấp” thì bạn có thể viết “Tôi có kiến thức về thống kê cao cấp, bao gồm khả năng sử dụng các phép đa hồi quy, phân tích số lượng và các kỹ năng về mô hình cân bằng theo mẫu”. Phần đầu, bạn sử dụng cùng những từ ngữ như mẫu đăng tuyển và đến phần thứ hai bạn liệt kê chi tiết hơn. Tuy nhiên, bạn cũng lưu ý đừng chỉ dùng một phần thứ hai vì có nhiều khả năng người đọc hồ sơ của bạn ở những vòng đầu sẽ không đủ kiến thức chuyên ngành để hiểu “khả năng sử dụng các phép đa hồi quy, phân tích số lượng và các kỹ năng về mô hình cân bằng theo mẫu” là các “kỹ năng thống kê cao cấp” và hồ sơ của bạn sẽ có nguy cơ bị loại.


PHẦN III: CÔNG CỤ TIẾP THỊ BẢN THÂN

Thể hiện mục tiêu trong sự nghiệp

Một xu hướng gần đây của Hồ sơ là thêm các mục tiêu sự nghiệp vào ngay phần đầu của Hồ sơ. Đây là phần súc tích mô tả điều bạn muốn có từ công việc tương lai. Câu nói này cho phép NTD có thể nhanh chóng thấy được sự phù hợp của bạn với công việc đồng thời giúp bạn thể hiện được có ý chí phấn đấu trong sự nghiệp của mình.

Mặt khác, những câu nói này đặc biệt hữu ích cho những ứng viên trẻ có dưới 5 năm kinh nghiệm hoặc các bạn sinh viên mới ra trường. Chúng cũng rất hữu ích đối với những ứng viên muốn chuyển hướng và thay đổi nghề nghiệp. Ngoài ra, một Hồ sơ có các thông tin về mục tiêu sự nghiệp sẽ giúp tác động tốt hơn đối với NTD; NTD sẽ nhanh chóng nhận thấy rằng ứng viên này chính là đối tượng mà họ đang tìm kiếm.

Tính cách và phẩm chất

Một vài nét về tính cách và phẩm chất của bạn được nêu ra sẽ thuyết phục hơn nữa các NTD về sự phù hợp của bạn đối với công việc. Chắc chắn là NTD sẽ không thể tin 100% vào những lời hay ý đẹp bạn đang viết về bản thân và phải kiểm chứng thêm trong buổi phỏng vấn. Tuy nhiên theo những thống kê của chúng tôi, NTD sẽ giành ưu ái nhiều hơn cho những Hồ sơ nêu bật được những cá tính phù hợp với công việc. Ví dụ: tính cẩn thận, tỉ mỉ cho vị trí kế toán viên; khả năng sáng tạo cho vị trí thiết kế, tầm nhìn chiến lược cho vị trí trưởng phòng…


Nhưng hãy chú ý một số điểm sau:

1. Đọc kĩ lại hồ sơ

Lời khuyên luôn hữu ích cho các ứng viên là đọc kỹ lại hồ sơ để kiểm tra lỗi ngữ pháp, lỗi chính tả không đáng sau khi viết xong hồ sơ. Nếu bạn hỏi một trăm nhà tuyển dụng, 99 người sẽ phàn nàn là ứng viên phạm quá nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp trong hồ sơ. Thậm chí nhiều ứng viên cứ thích là chấm câu và xuống hàng khiến cho NTD hoang mang không biết với ý gì.


2. Viết sao cho ngắn gọn, súc tích
Viết hồ sơ ngắn gọn súc tích. Hãy nhớ rằng NTD dành tối đa khoảng 10 giây để đọc lướt qua một hồ sơ. Nếu hồ sơ của bạn ấn tượng, họ sẽ dừng lại lâu hơn để đọc kỹ. Ngược lại, NTD sẽ không ngần ngại gạt qua những hồ sơ không ấn tượng để đọc tiếp các hồ sơ khác.

Vì vậy, bạn cần nêu bật các thành công chính của bạn trong công việc trước đây. Hãy nhớ NTD rất quan tâm bạn đã làm được gì hơn là đọc một bảng liệt kê công việc dài lê thê của bạn. Bạn nên ghi rõ ngành nghề, công ty đã làm việc và mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai.

3. Viết lan man
Thật đáng tiếc là rất nhiều ứng viên, dù rất giỏi về chuyên môn, đã bỏ lỡ cơ hội thu hút NTD vì thể hiện thành tích làm việc quá sơ sài, trình bày không hệ thống, viết lan man, gom quá nhiều ý tứ trong một câu hoặc ngược lại viết câu từ không có ý nghĩa.

Nhiều ứng viên lại nêu một danh sách dài các khóa học đã tham gia, các bằng cấp đã có, và thậm chí liệt kê tiểu sử gia đình rất hoành tráng. Hãy nhớ rằng NTD không quan tâm những người thân trong gia đình bạn (cha mẹ hay anh em) làm gì. Họ chỉ quan tâm bạn có thể đóng góp gì cho sự phát triển của công ty họ mà thôi.

Sau khi hoàn thành xong hồ sơ của bạn, việc tiếp theo đó là gì? Xin trả lời, đó là Rải hồ sơ. Tiếp tục đọc bài tiếp theo
"rải” hồ sơ đúng cách!
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,084
Tổng số thành viên
351,474
Thành viên mới nhất
Bleeding Throug
Back
Bên trên