Bài học về công tác đào tạo nhân lực cho Việt nam

quanghanh_lovemylove

Verified Banker
Đài Loan đau đầu giải bài toán 'giảm thầy, tăng thợ'

Chỉ cần có tiền, thanh niên Đài Loan gần như nghiễm nhiên sẽ được cầm trong tay tấm bằng cử nhân của một trường đại học tư, tuy nhiên, điều đó lại không đồng nghĩa với cơ hội kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Học sinh Đài Loan hiện tại không phải chịu nhiều áp lực thi cử như thế hệ trước đây. Ảnh: SCMP
30 năm trước, bước chân vào cánh cổng trường đại học cũng đồng nghĩa với việc Hsu Chung-hsin đã trở thành một phần của thế hệ tinh hoa ở Đài Loan. Nhưng hiện tại, khi cơ hội cầm trong tay tấm bằng cử nhân đã trở nên dễ dàng với tất cả mọi người, thì với ông, đó lại là một sự thật tồi tệ.
Người người vào đại học

"Mọi thứ quá dễ dàng. Chỉ cần đủ sức trả học phí, bạn sẽ trở thành sinh viên. Điều đó thực sự không tốt", Hsu, người hiện là một nhà lập pháp với tấm bằng tiến sĩ chuyên ngành luật ở Đại học Cambridge, nói.
"Các trường đại học hàng đầu không bị ảnh hưởng trước thực trạng này. Nó chỉ tác động tới những ngôi trường hạng trung. Chất lượng của các cơ sở đào tạo này tương đối thấp. Việc giảng dạy không được đề cao và sinh viên cũng chẳng cần quá chăm chỉ."
Tỷ lệ sinh giảm cùng với sự gia tăng đột biến các trường đại học đồng nghĩa với việc, đại đa số học sinh trung học sẽ chọn con đường đi lên bậc học cao hơn.
Tính đến cuối tháng 6/2012, Đài Loan đã có tổng cộng 1,35 triệu sinh viên đại học, theo thống kê của cơ quan quản lý giáo dục. Sự bùng nổ này đã và đang tác động nghiêm trọng tới Đài Loan, thông qua một hệ thống phân cực mà ở đó nhiều người nhận được một nền giáo dục không phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.
Kỳ thi tuyển sinh đại học đang trở thành một hoạt động mang tính hình thức. Năm 2011, 90,4% trong số những người ứng tuyển đều được nhận vào học.
So sánh với năm 1975, khi chỉ khoảng 1/4 dân số đủ khả năng vượt qua những kỳ thi, và sự cạnh tranh luôn vô cùng gay gắt, thì hiện tại, áp lực đó hoàn toàn biến mất và không khí trước các kỳ thi dễ thở hơn rất nhiều.
"Với một số học sinh, những kỳ thi chẳng có gì quan trọng. Chỉ cần bạn muốn vào đại học, rất nhiều ngôi trường đang chào đón bạn", Abby Yao, 24 tuổi, sinh viên chuyên ngành tâm lý học tại Đại học Fu Jen Catholic, nói.
Kuo Wen-chung, một quản lý cấp cao của Viện Giáo dục Yu Da, một trường học mới nổi, đồng ý rằng, hiện tại, việc cầm trong tay tấm một bằng cử nhân là điều quá đơn giản.
"Chắc chắn học sinh bây giờ thiếu khả năng cạnh tranh hơn nhiều so với những thế hệ trước", ông nói.
Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều thanh niên luôn cố gắng đạt kết quả tốt trong học tập, với mong muốn được theo học ở những ngôi trường hàng đầu, nơi chiếm 1/3 sinh viên của toàn bộ Đài Loan. Tuy nhiên, 2/3 còn lại lại đang góp phần làm cho tình trạng giáo dục tại hòn đảo này thêm phân cực, với những trường đại học quốc lập, chất lượng cao ở một bên, và những trường tư, học phí đắt đỏ, ở một bên khác.
Giảm thầy, tăng thợ

Theo Kenneth Lin, chuyên gia kinh tế tại Đại học Chung Cheng, rất nhiều người đang lao đầu vào các trường đại học trong khi không hề quan tâm tới lợi ích lâu dài của bản thân.
"Các trường đại học tư sẵn sàng nhận những người có điểm đầu vào thấp, bởi nếu không có đủ sinh viên, họ sẽ phá sản", Lin nói.
"Nhưng các sinh viên sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp khi họ ra trường. Trên thực tế, họ sẽ có được một cuộc sống tốt hơn nếu theo học tại các trường dạy nghề và xin việc ở những nhà máy."
Theo nhà lập pháp Hsu, một hệ thống giáo dục đại học được chia thành hai cấp riêng biệt chính là những gì Đài Loan cần ngay lúc này. Theo ông, chính quyền Đài Loan cần tạo điều kiện cho nhiều người đi học nghề hơn, giống như những gì họ từng làm những năm trước chiến tranh.
"Mặc dù không có bằng đại học, nhưng họ lại sở hữu tay nghề cao", ông nói.
"Đó chính là nền tảng của nền kinh tế Đài Loan trong thập kỷ 60, 70. Chiến lược này giúp cung cấp một lực lượng lao động chất lượng cao cho ngành công nghiệp của chúng tôi."
Hệ thống giáo dục hiện tại không đào tạo những ngành nghề thực sự cần thiết cho nền kinh tế, và cứ với đà này, Đài Loan sẽ rơi vào tình trạng người thất nghiệp gia tăng trong khi nhiều ngành công nghiệp vẫn không tìm đủ nhân lực.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Đài Loan vừa đạt tới mốc 4,31% vào cuối tháng 7 vừa qua, trong khi nguồn nhân lực vẫn chưa đủ để đáp ứng cho nhiều doanh nghiệp ở hòn đảo này.
Theo Hsu, chính quyền Đài Loan cần nhanh chóng hành động để thay đổi thực trạng này. Một trong những nguyên nhân của vấn nạn trên là vì có quá nhiều cơ sở dạy nghề muốn được chuyển đổi thành trường đại học, và ông tin rằng quá trình này cần được đảo ngược. Tuy nhiên, với một xã hội coi trọng bằng cấp như Đài Loan, giải pháp này thực sự rất khó thực hiện.
"Không dễ để thay đổi quan niệm của các phụ huynh. Chúng ta phải thuyết phục họ thôi hy vọng rằng, mọi đứa trẻ đều có thể trở thành luật sư hay bác sĩ", Hsu nói.
"Thực tế, một thợ cơ khí hay công nhân xây dựng tay nghề cao hoàn toàn có khả năng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc. Và dù sao, không phải ai trong xã hội này cũng có thể trở thành tổng thống hay thủ tướng. Chỉ có một người được giữ vị trí đó thôi."
 
Chỉnh sửa lần cuối bởi người điều hành:

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,088
Tổng số thành viên
351,520
Thành viên mới nhất
Trang2000
Back
Bên trên