Ba căn bệnh của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam

cocghe266

Administrator
Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong năm 2011 và sang đầu năm 2012 phải đối diện với các vấn đề lớn đe dọa đến tính ổn định của toàn hệ thống.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô thường niên năm 2012 vừa được Nhóm Tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã điểm mặt 3 đe dọa này bao gồm: (i) thanh khoản kém, (ii) sai lệch kép ở cả cơ cấu thời hạn và cơ cấu đồng tiền; và (iii) tỉ lệ nợ xấu cao.

Thanh khoản kém

Một trong số những chỉ số phản ánh rủi ro thanh khoản là lượng vốn huy động được giảm trong khi chỉ số tín dụng trên tổng huy động lại tăng. Xét số liệu theo từng tháng, có thể thấy tỉ lệ tín dụng trên tổng số huy động tiền gửi trong những năm từ 2006 đến nay đã gia tăng mạnh mẽ. Những con số này cho thấy tính rủi ro trong tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã tăng mạnh trong ba năm trở lại đây, nhất là vào những tháng đầu năm 2011.

Khó khăn thanh khoản không chỉ được thể hiện qua con số về tỉ lệ tín dụng trên tổng huy động mà còn biểu hiện thông qua lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Thanh khoản kém trong hệ thống ngân hàng khiến các ngân hàng phải đi vay để tài trợ cho các khoản tín dụng, từ đó, cùng với chính sách tiền tệ được điều chỉnh theo hướng thắt chặt và mức lạm phát cao đã đẩy mặt bằng lãi suất, cả lãi suất huy động và cho vay lên rất cao. Hơn nữa trần lãi suất cho vay được thả trong khi áp đặt trần lãi suất huy động càng đẩy tỉ lệ tín dụng trên tổng huy động lên mức rủi ro hơn nữa.

Ngoài ra, thanh khoản kém còn được thể hiện ở việc các mức lãi suất trong ngắn hạn cũng bị đẩy cao và thậm chí xấp xỉ mức lãi suất tiền gửi dài hạn. Thông thường mức lãi suất trong dài hạn (12 tháng trở lên) luôn cao hơn trong ngắn hạn (một tháng, ba tháng, sáu tháng). Tuy nhiên, trên thị trường liên ngân hàng của Việt Nam những tháng đầu năm 2011 thì diễn biến các mức lãi suất này lại ngược lại. Mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng khá sát và thậm chí có lúc thấp hơn mức lãi suất đối với kỳ hạn ba tháng.

Sai lệch kép

Sự gần nhau của các mức lãi suất này không chỉ phản ánh tính thanh khoản kém của hệ thống ngân hàng mà còn hàm ẩn rủi ro sai lệch cơ cấu thời hạn. Khi các mức lãi suất gần bằng nhau trong điều kiện lạm phát cao ở Việt Nam hiện nay thì người gửi tiền sẽ có xu hướng chuyển sang các khoản gửi ngắn hạn để giảm rủi ro lãi suất. Khả năng huy động được tiền gửi dài hạn giảm đi đồng nghĩa với nguồn huy động ngắn hạn tài trợ cho các khoản tín dụng dài hạn sẽ tăng lên, từ đó đẩy rủi ro sai lệch cơ cấu thời hạn của ngân hàng lên cao, đặc biệt trong tình trạng của Việt Nam khi hệ thống ngân hàng từ trước đến nay vốn đã có tỉ lệ tiền gửi ngắn hạn và không kỳ hạn sử dụng cho vay dài hạn cao (năm 2008, con số này ở mức 75% theo Lê Vân Anh (2008)).

Ngoài ra, mức lãi suất quá cao cũng hàm ẩn rủi ro khi theo lý thuyết về phần bủ rủi ro, chỉ có những dự án có tính rủi ro cao mới có thể đem lại những mức lãi suất cao trong khi hạn chế đầu tư vào những dự án ít rủi ro nhưng chỉ có tỉ suất sinh lợi vừa phải. Do vậy, rủi ro vỡ nợ xuất phát từ mức lãi suất cao cũng tăng lên.

Bên cạnh sai lệch về cơ cấu thời hạn, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng phải đối mặt với rủi ro sai lệch về cơ cấu đồng tiền. Với mức lãi suất (danh nghĩa) nội tệ và ngoại tệ chênh lệch lớn do hệ quả của các chính sách tiền tệ và tỉ giá, tín dụng ngoại tệ đã tăng trưởng nhanh hơn gấp nhiều lần so với tín dụng nội tệ. Tính đến cuối năm 2011, tín dụng ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng đã tăng 18,7% trong khi tín dụng nội tệ chỉ tăng 10,2% so với cuối năm 2010. Tín dụng ngoại tệ tăng lên trong khi rủi ro mất giá nội tệ cũng tăng khi thâm hụt thương mại vẫn có nguy cơ tăng cao trở lại đi kèm với đầu tư nước ngoài có xu hướng sụt giảm.

Bên cạnh đó, tài sản nước ngoài ròng trong hệ thống ngân hàng thương mại cũng phản ánh rủi ro của khu vực này. Lượng tài sản nước ngoài ròng trong các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây là âm, điều này không phải do sụt giảm tài sản nước ngoài mà chủ yếu do gia tăng mạnh mẽ nợ nước ngoài của các ngân hàng. Tài sản ròng nước ngoài âm càng phản ánh rõ hơn sự sai lệch cơ cấu đồng tiền trong hệ thống ngân hàng khi sử dụng nguồn đi vay từ nước ngoài để tài trợ cho các khoản tín dụng trong nước.

Nợ xấu



Một trong số những rủi ro đe dọa sự ổn định của hệ thống ngân hàng là nợ xấu. Trong những năm qua, tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Theo tiêu chuẩn kế toán Việt Nam, tỉ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng thương mại tính đến tháng 6/2011 khoảng 3%, tuy nhiên, theo Fitch Ratings, tỉ lệ này theo chuẩn mực kế toán quốc tế về phân loại các loại nợ xấu, con số này lên tới 13%. Hơn nữa, việc thực thi chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt khiến nhiều doanh nghiệp hạn chế sản xuất và thậm chí phá sản cũng gây tác động tiêu cực lên nợ xấu của hệ thống.

Bên cạnh đó, một khu vực quan trọng có thể tác động mạnh tới cân đối tài sản bao gồm cả nợ xấu và tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam là thị trường bất động sản. Trong những năm trước đây, cùng với dòng vốn nước ngoài ồ ạt đổ vào thị trường tài sản, những dòng tiền rẻ và dễ dãi xuất phát từ các chính sách nới lỏng cũng khiến một dòng vốn lớn đầu tư vào thị trường bất động sản, bên cạnh đó, bất ổn vĩ mô đặc biệt là lạm phát cũng khiến người dân đẩy mạnh đầu cơ vào thị trường này. Hệ quả là giá bất động sản gia tăng và bản chất là bong bóng tài sản, khiến một lượng vốn rất lớn của nền kinh tế găm giữ trong thị trường bất động sản, không đi vào khu vực sản xuất.

Khi chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh, cộng thêm những yêu cầu trong chỉ thị 01/CT-NHNN/2011 giảm tỉ trọng tín dụng cho vay phi sản xuất xuống 16% cho đến cuối năm 2011 và coi khu vực phi sản xuất (trong đó có bất động sản) không thuộc khu vực ưu tiên cấp tín dụng, thì thị trường trở nên đóng băng, giá bất động sản giảm mạnh. Các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn và thua lỗ, trong khi bản thân các tài sản thế chấp (phần lớn cũng là bất động sản) giảm mạnh giá trị, khiến các khoản nợ ngân hàng đang dần trở thành các khoản nợ xấu.



Tiểu Yến
NDHMoney
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,088
Tổng số thành viên
351,553
Thành viên mới nhất
cultoflunamerch
Back
Bên trên