Quản lý yếu, nợ công sẽ thành gánh nặng

mai.qth2710

Moderator
"Tuy vẫn nằm trong ngưỡng an toàn và tầm kiểm soát, nhưng lo ngại lớn nhất lúc này là vấn đề quản lý nợ công, nếu không lúc nào đó nó sẽ thành gánh nặng lớn cho nền kinh tế và toàn xã hội".

Trả lời phỏng vấn Diễn đàn Kinh tế VN (VEF.VN) - báo VietNamNet, về vấn đề nợ công hiện nay của Việt Nam, chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành đã khẳng định như vậy.

Ông Thành nói: Từ số liệu từ Bộ Tài chính vừa công bố, nợ nước ngoài của Việt Nam tính đến tháng 12/2010 là 32,5 tỷ USD, tăng từ 27,9 tỷ USD cuối năm 2009, trong đó nợ trực tiếp của Chính phú là 27,9 tỷ USD, còn lại là nợ của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh. Trước đó, năm 2009, nợ trực tiếp của Chính phủ là 23,9 tỷ USD, bảo lãnh là 3,98 tỷ USD.

Mặt khác, Bộ Tài chính cũng dự kiến, nợ công của Việt Nam cho năm 2011 là khoảng 58,7% GDP; trước đó, năm 2007, nợ công chỉ là 33,8% GDP, 2008 là 36,2%; 2009 là 41,9% và 2010 là 56,7% GDP, theo số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Ở trên ta thấy có hai vấn đề đáng quan tâm: một là tỷ lệ nợ công tăng từ 33,8% lên đến 58,7% GDP, và hai là tốc độ tăng nợ công mỗi năm rất mạnh. Nếu tốc độ này cứ tiếp tục đà tăng như những năm qua thì đến gần một lúc nào đó nó sẽ tiến đến mốc 100% GDP.

Theo ông, tốc độ tăng nợ nước ngoài và nợ công của Việt Nam trong những năm qua nói lên điều gì?

Ông Bùi Kiến Thành: Đó là về số lượng và tăng trưởng. Nhưng cái đó không nói hết được việc mình vay nợ và mình bảo lãnh nợ để làm gì.

Riêng với nợ nước ngoài, Việt Nam mình phần lớn nợ nước ngoài là nợ ODA, nợ của Chính phủ với lãi suất tương đối thấp, từ 1-3%, với thời hạn tương đối dài. Như vậy, xét về lãi suất và thời hạn thì tương đối có lợi thế trong vấn đề lãi suất và trả nợ.

Ở ta, vay nợ là để đầu tư vào các công trình, cơ sở hạ tầng, đường sá, bến bãi, bệnh viện... những cái mà tư nhân khó có thể là thì nhà nước đứng ra đảm đương.

Mặc dù những công trình đó có ích nước lợi nhà nhưng khi thực hiện đầu tư công ấy mình làm như thế nào? Hiện theo báo cáo của một số bộ ngành đối với Quốc hội thì mình quản lý vấn đề đầu tư công chưa được tốt lắm, vì mỗi một dự án có thể bị rò rỉ, thất thoát... có thể mất đi từ 20-30%. Vì thế, việc quản lý nợ công đi vào các công trình là chưa được hiệu quả.

Nhưng trong 4 năm qua, nợ công đã tăng là 25%, trung bình là 5%/năm, vậy có là quá nhanh?

Với những nước đang phát triển như Việt Nam thì cần nhiều vốn đầu tư để phát triển, nên mức tăng 5%/năm trong mấy năm qua, dù cao nhưng không phải là báo động.

Nếu nợ công để tạo ra tài sản quốc gia, những đường sá tốt, bến cảng tốt, trường học tốt thì không có sao, vì con số chỉ nói nên một phần bức tranh thôi. Chỉ ngại ở chỗ là quản lý nhà nước không tốt, quản lý đầu tư công không tốt.

Thí dụ như đường sá người ta xây 20 năm không có hư nhưng mình xây 2-3 năm đã lại bóc lên rồi, hoặc chỉ sử dụng được 10 năm là hỏng. Do tuổi thọ của các công trình quá kém nên giá phải trả cho các công trình quá cao nếu tính khấu hao, người ta khấu hao 20 năm 30 năm nhưng mình chỉ 10, 15 năm đã hết rồi.

Nhưng trong điều kiện kinh tế hiện nay, tỷ lệ nợ công của Việt Nam với 56,7% GDP năm 2010 và 58,7% GDP cho năm 2011, theo ông đã đến mức báo động chưa?

Cái đó tuy theo khả năng hoàn trả của nền kinh tế. Nếu kinh tế phát triển tốt, xuất khẩu tốt, có dự trữ ngoại hối tốt thì không thành vấn đề. Nhưng một nền kinh tế vay nhiều như thế nhưng hoạt động kinh tế không tốt, đình đốn, không đủ có khả năng trả nợ, không đủ ngoại hối để đảm bảo thanh khoản trả nợ... thì là có vấn đề.

Vậy Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ đấy và đang phát triển như thế nào? Tốt hay không tốt? Doanh nghiệp phát triển ra sao?... thì hiện Việt Nam đang đứng trong tình thế kinh tế hoạt động không tốt lắm. Có 2 vấn đề, một mặt mình quản lý không được tốt, gây rò rỉ thất thoát vốn vay và một mặt là nền kinh tế hoạt động không được tốt để nhà nước thu thuế vào mà trả nợ sau.

Vì vậy, khi nhìn thấy con số thì con số không tự nói ra tất cả mà chỉ nói được phần nào của mức tăng thôi. Việt Nam đang yếu về tỷ lệ dự trữ ngoại hối nên cần phải quan tâm. Mình nợ của nước ngoài là 32,5 tỷ USD. Năm vừa rồi trả nợ nước ngoài 1,67 tỷ USD, vừa vốn vừa lãi suất vừa phí, thì 1,67 tỷ USD đối với dự trự ngoại hối khoảng gần 20 tỷ USD thì tương đối ít và chưa đến mức báo động. Nhưng năm nay, khi ngoại hối thấp hơn nhiều so với năm trước trong khi mình dự kiến trả 1,33 tỷ USD thì sẽ khó hơn chút.

Tuy vậy, theo tôi, gánh nặng hoàn trả nợ nước ngoài trong những năm hiện nay của Việt Nam cũng không nặng lắm. Nhưng mình cần thận trọng trong quản lý nợ nước ngoài. Hiện chưa có gì trầm trọng, nhưng có thể nó sẽ trầm trọng nếu tốc độ tăng trưởng tiến tới như những năm qua.

Như vậy nghĩa là, con số nợ công và nợ nước ngoài ngày một tiệm cận dần ngưỡng cho phép cũng chưa phải là điều lo ngại?

Con số thì chưa đáng lo, nhưng cái đáng lo ngại là lồng trong con số đó mình quản lý như thế nào. Nếu quản lý tốt thì đáng lý ra nó 5 chục (50 tỷ - PV) thì mình quản lý tốt thì nó đáng giá 5 chục hay 100, nhưng 5 chục mình quản lý không tốt thì chỉ còn lại 2-3 chục thôi.

Và hiệu quả cho nền kinh tế, cho đất nước không tương xứng với nợ công mà nhà nước đứng ra đi vay. Vì thế, con số cũng đá khá cao rồi nhưng độ lo ngại của nó không phải nơi con số mà là chất lượng quản lý nhà nước về nợ công và đầu tư công.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm nợ công thì chúng ta cần phải mạnh tay cắt giảm chi tiêu công hơn nữa, quan điểm của ông thì sao?

Thực ra, năm nay Chính phủ cũng đã rất quyết liệt phấn đấu để giảm đầu tư công bằng việc ra Nghị quyết 11, nhưng nhiều khi có giảm được đâu. Như TP. Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2011, mức đầu tư công đã tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Rẩt nhiều tỉnh thành khác đầu tư công cũng tăng tới 30-40%...

Việc không giảm được đầu tư công là vì vấn đề phân cấp. "Ông" bộ Kế hoạch và Đầu tư nói giảm nhưng ở dưới các tỉnh không giảm thì có làm gì được. Mặc dù tư tưởng và định hướng là giảm nhưng Nhà nước lại chưa quyết liệt để thực sự quản lý đầu tư công hay chi tiêu công một cách có hiệu quả.

Theo ông, vấn đề đặt ra đối với việc quản lý nợ công và tiến tới giảm nợ công của Việt Nam hiện nay là như thế nào?

Điều quan trọng đầu tiên là phải quản lý được cán bộ điều hành về vấn đề chi tiêu công và cán bộ điều hành về đầu tư công. Đây trở thành vấn đề về nhân sự. Cán bộ điều hành của mình từ cấp bộ đến cấp vụ, đến cấp sở thực sự phải thấy quyền lợi của quốc gia cắt giảm đầu tư công hay vẫn theo quyền lợi cục bộ mà không cắt giảm.

Trong việc phân quyền, Chính phủ cần thiết phải có một chế tài với các địa phương để địa phương nghiêm chỉnh thực hiện cắt giảm chi tiêu, đầu tư công.

Khi việc quản lý, tổ chức, điều hành thực sự có hiệu quả thì chắc chắn sẽ tác động tới sự tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế và nâng cao được hiệu quả của đồng vốn đi vay, khi đó sẽ làm giảm vốn vay nợ công của Việt Nam.

Hoàng Cường​
 

Tin tuyển dụng mới nhất

Thống kê MXH

Tổng số chủ đề
34,577
Số bình luận
528,091
Tổng số thành viên
351,642
Thành viên mới nhất
fun88ist1
Back
Bên trên